Trong các tác phẩm của Hermann Hesse, có lẽ Siddhartha là tác phẩm nổi tiếng nhất. Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, nói về một chàng thanh niên rời gia đình đi tìm giác ngộ. Dù được gặp Phật, dù bạn đồng hành đã gia nhập tăng đoàn, nhưng chàng thanh niên Siddhartha nhất quyết đi theo con đường của mình.
Cuối cùng, sau khi trải nghiệm hết tất cả niềm vui và nỗi khổ của cuộc sống thế gian, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe dòng sông và tìm thấy ở nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.
Hermann Hesse cho ta thấy muốn thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Sự sống đang diễn ra trong mọi hình thái trong vũ trụ cũng chỉ vì nó cần trải nghiệm hết chính bản thân mình. “Sự sống” đó là “dòng sông” của Siddhartha mà chàng đã biết lắng nghe.
Cuối cùng Siddhartha đã ngộ ra rằng “sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém”. Khi đã trải nghiệm và biết lắng nghe mọi hình thái của sự sống, chàng đã tự siêu việt chính mình, vượt lên thiện – ác, tốt – xấu. Đó là tư tưởng Bát nhã, nói theo cách của Hermann Hesse.
Nguyễn Tường Bạch – (Báo Tuổi trẻ)