Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của Đại Việt dưới triều nhà Trần, có một tù trưởng người Tày cùng với em trai đã biết vận dụng mưu kế rất thông minh để đánh đuổi quân xâm lược.
Tháng 1-1258, quân Mông Cổ tấn công Đại Việt lần thứ nhất và bị thất bại nhục nhã. Mãi đến mùa xuân năm 1285, sau khi thống nhất được cả đất nước Trung Hoa rộng lớn và lập ra nhà Nguyên, quân Mông Cổ mới có cơ hội để rửa mối quốc hận. Hốt Tất Liệt – đại hãn thứ năm của Mông Cổ đồng thời là người sáng lập ra nhà Nguyên, xua trên 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Lần này quân Nguyên chia thành ba mũi tiến đánh Đại Việt. Mũi chủ công do thái tử Thoát Hoan chỉ huy, từ Quảng Tây sang Lạng Sơn xuống Thăng Long. Mũi thứ hai do tướng Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy, từ Vân Nam tiến sang nước ta theo sông Chảy, sông Lô. Mũi thứ ba do Ô Mã Nhi đảm trách, đi đường biển chở lương thực.
Tháng 4-1285 quân Đại Việt bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng cho quân Nguyên ở Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội), Vạn Kiếp (Hải Dương), buộc các cánh quân của giặc phải rút chạy. Đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh rút chạy theo đường sông Lô khi đến Cự Đà (huyện Phù Ninh) thì bị lực lượng dân binh của một tù trưởng người Tày là Hà Đặc và em là Hà Chương chặn đánh. Chiến sự diễn ra ác liệt ở hai bờ sông Lô thuộc huyện Phù Ninh và Lập Thạch được chép lại trong sách Đại việt Sử ký Toàn thư – bộ sử được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu (1697), niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông.