Hầu như trẻ con nào cũng thích nghe kể chuyện cổ tích. Kể chuyện là một cách ru dỗ, một cách giáo dục nhẹ nhàng, thấm thía với con trẻ… Từ lâu rồi, những người kể chuyện tài ba và hóm hỉnh như Andersen, Oscar Wilde… từng viết những truyện thú vị vô cùng. Truyện cổ tích, thần tiên của các nhà văn tiền bối ấy đã làm say mê bao nhiêu trẻ em và bao nhiêu người lớn trên khắp hành tinh xanh này. Noi theo, học theo những người đi trước, tôi cầm bút và tự nhủ cần viết có tính hiện đại, đồng thời mang tính dân tộc. Tôi có ý tiếp nhận một số chi tiết, mẫu hình của các truyện cổ dân gian Việt Nam và phát triển thêm theo cách riêng. (Tác giả Trần Đồng Minh)
“Ngày hãy còn vua quan cầm quyền trị nước, một vài vị hoàng đế đôi khi cải trang thành dân thường hoặc dân buôn rồi cùng bầy tôi thật thân tín lặng lẽ rời cung. Có bậc thiên tử ham vui thích ăn chơi, thích tìm thêm người đẹp trong dân chúng. Có đấng quân vương ngao du để ngắm núi xanh sông biếc, cảnh phố hội làng. Cũng có hoàng đế vi hành xem đời sống dân lành có như lời các quan thường tấu trình mọi sự bình yên. Vị vua trong câu chuyện này thích vi hành gần xa vì những mục đích tốt đẹp. Nhưng mẹ vua – đã già lắm rồi, và vợ vua – yểu điệu như lá liễu mỏng manh – thường ngăn cản. Số đông quan lớn trong triều quen sống xa hoa cũng can gián ý thích vi hành của vua. Họ sợ nhà vua gặp nhiều gian lao, nguy hiểm hoặc nghe được dân chúng kêu ca, phàn nàn….Bỗng một ngày kia, một trung thần mật tấu rằng trong dân gian khắp nơi đang lưu truyền một bài hát của trẻ con. Bài hát có lời như sau: “Trẻ con run rẩy – cao xanh không thấy. Người già lẩy bẩy – Cao xanh không thấy. Mắt giấy tai giấy – Trời ơi có hay”. Nhà vua cau mày nghĩ ngợi rồi lập tức quyết rời cung điện nguy nga, lên đường tìm hiểu sự tình.
Ông hoàng đem theo một hộ vệ, ra đi trong trang phục xuềnh xoàng như kẻ có học mà lỡ vận làm quan. Lại cho viên quan truyền chỉ mặc áo vải thô mang sẵn giấy bút, ấn tín, kim bài cưỡi ngựa theo sau một đoạn. Cuộc vi hành bí mật, ngay cả hoàng thái hậu và hoàng hậu cũng không biết. Ngày rảo bước, đêm nghỉ nhà trọ, vài ngày sau mấy vua tôi đến một trấn nhỏ nhiều mái gianh vách đất sơ sài. Giữa trấn nhô lên một khu nhà lớn kín cổng cao tường, bên ngoài đèn hoa rực rỡ, bên trong văng vẳng tiếng đàn ca. Bà bán rau cho biết đó là trang trại của một phú hộ chuyên cho vay lãi nặng. Ai không trả đúng hạn thì bị mất con gái. Kẻ giàu có độc ác này hưởng lạc đàng điếm mặc cho tiếng than khóc thấu trời cao. Vị vua nghe chuyện liền đỏ mặt, lắc đầu, sai quan truyền chi cho viên tổng trấn phải tức thời tra xét kĩ, xử lý nghiêm. Nếu đúng như người dân nói thì giải thoát ngay cho các cô gái đáng thương, tịch thu nửa gia sản bất chính của phú hộ để chia cho dân nghèo… Rồi vua tôi lại khăn gói thầm lặng đi tiếp. Quả nhiên nghe xôn xao ở đây có một đứa trẻ cực kì thông minh, hỏi đáp lưu loát. Kẻ tùy tùng hỏi đường đến nơi thì thấy nhà cửa tuềnh toàng nhưng đứa bé mặt mũi sáng láng. Vua tự xưng là văn nhân du sơn ngoạn thuỷ để hiểu rõ cái hay trong thiên hạ. Nhân biết em nhỏ tên là Hạt, liền đặt câu hỏi:
– Hạt gì quý như ngọc?
Em nhỏ đáp:
– Thưa, hạt gạo.
Lại hỏi:
– Hạt gì gieo nhiều xuống đất mà không nảy mầm
Em nhỏ ngẫm nghĩ rồi trả lời:
– Hạt mưa.
Vị vua gật đầu hỏi tiếp:
– Hạt gì rất nhỏ, ai cũng sợ?
– Dạ, hạt bụi.
Bậc vương giả tấm tắc khen và thưởng hậu hĩnh cho thần đồng cùng cha mẹ em. Lại cho ghi tên tuổi và nơi ở để trợ cấp ăn học thành nhân tài hữu ích…” (Trích đoạn trong Vị vua thích vi hành)