“Ngọc xuyến án” là cột mốc thứ bảy trong sự nghiệp quan án của vị quan Địch Nhân Kiệt lúc ông đang làm Huyện lệnh Phổ Dương. Trên đường trở về nhiệm sở sau chuyến công du, Địch Công suýt đi lạc trong rừng và được một vị đạo sĩ bí ẩn chỉ đường. Địa phương mà ông trú lại thuộc địa phận cung Bích Thủy – nơi cư trú của Tam Công Chúa, con gái yêu quý của Hoàng Thượng. Vừa chân ướt chân ráo đến nơi, chưa kịp nghỉ ngơi, Địch Công đã bị cuốn vào những vụ án liên quan đến đồ vật trong cung cấm, đến các bang phái giang hồ, đến những sự kiện tưởng như bình thường nhưng ẩn sau nó lại là âm mưu đen tối của những thế lực giấu mặt.
Trước khi đọc, Biển hơi ngần ngại vì xem phần giới thiệu thì thấy có một Công chúa trong truyện. Cứ hễ có Công chúa thì Biển nghĩ là cô ta sẽ rất kiêu ngạo chảnh chẹ (tại vì Biển cũng hơi ngạo kiều khinh cuồng), nhưng không, Công chúa trong truyện này chỉ là một thiếu nữ bình thường với các vấn đề bình thường của một thiếu nữ (*o*). Không đùa nữa, qua hình tượng các nhân vật nữ trong “Ngọc xuyến án”, dù họ sống dưới sự cai trị của một vị Nữ Vương (Võ Tắc Thiên), các lề thói ràng buộc đối với nữ giới được xóa bỏ khá nhiều nhưng vẫn có thể nhìn thấy cuộc đời phổ biến mà một nữ nhân thường mong ước: tìm được vị hôn phu tốt, không quan trọng có phải sống trong cảnh tam thê tứ thiếp hay không. Thậm chí trong truyện này có thiếu nữ dù biết Địch Công đã có 3 phu nhân mà vẫn khỏa thân khêu gợi ông :-p
Các luật lệ chốn cung đình phong kiến quả thật rất nhiêu khê, đọc mà cảm thấy sốt ruột thay cho Địch Công. Trong truyện có một đoạn nói lên suy nghĩ của Địch Công về thái giám, không biết đây là suy nghĩ thật của Địch Công hay là suy nghĩ của tác giả Van Gulik, nhưng Biển cho rằng đó là tư tưởng chung của một số đông người về hoạn quan: “Hạ quan tin những âm mưu ghê tởm như vậy sẽ nằm trong đầu óc của đám quan hủ bại, đặc biệt là bọn thái giám. Chúng là thứ dị vật mang nhân cách đồi bại, những kẻ không thể thiếu nhưng lại là cội nguồn ghê tởm của tội ác ở mọi cấm cung!”. Nghĩ cũng tội nghiệp cho thái giám, họ là một thành phần buộc phải có trong cung đình của xã hội phong kiến, và ở tầng lớp nào cũng có người tốt kẻ xấu. Giống như kỹ nữ, không phải ai cũng muốn trở thành thái giám, có thể vì sinh kế hoặc bị hãm hại nên rơi vào con đường tuyệt hậu.
Cứ mỗi lần đọc thêm một tác phẩm của ngài Robert Van Gulik, Biển lại ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo đặc sắc của ông khi viết truyện về Địch Nhân Kiệt. Cuối quyển “Ngọc xuyến án” có phần tái bút của tác giả, cung cấp thêm cho độc giả kiến thức phổ thông về chức quan Huyện lệnh. Nhờ phần này, Biển mới biết hầu hết các tác phẩm Địch Công Kỳ Án của ngài Van Gulik đều là hư cấu. Đương nhiên phải dựa trên những sự kiện có thật để phóng tác, nhưng nội dung của những quyển Địch Công Kỳ Án đều rất đa dạng phong phú, vụ án phức tạp nhưng nhờ văn phong gãy gọn minh bạch nên đọc rất dễ hiểu, truyện về Trung Hoa cổ đại nhưng nhịp điệu nhanh và hào hứng nên hấp dẫn như đọc Sherlock Holmes. Tình tiết đan xen nhưng không hề có điểm nào phi lý khiến người đọc phải miễn cưỡng chấp nhận. Tâm lý nhân vật được diễn tả tinh tế. Thỉnh thoảng, tác giả đưa vào truyện những đoạn triết lý về nhân sinh như “Ruột trong được khoét rỗng thì quả bầu mới trở nên hữu dụng. Vỏ ngoài có khô thì nó mới trở thành chiếc hồ lô. Chúng ta cũng vậy. Chỉ sau khi loại bỏ hết mọi ảo vọng, tất cả những mục đích nhỏ mọn và các ảo tưởng luyến ái, chúng ta mới thành người hữu ích”.
Quyển “Ngọc xuyến án” có nội dung lôi cuốn, chữ in to rõ, trình bày đẹp, chỉ có ba lỗi chính tả. Sau cuốn “Hoa hồng khát” thì đây là lần thứ hai Biển đọc bản dịch của anh Nguyễn Việt Hải, cảm thấy trước giờ mình chưa đánh giá đúng tầm của anh. “Hoa hồng khát” thật sự quá chán nên Biển chưa nhận ra bút lực thâm hậu của dịch giả. Quyển “Ngọc xuyến án” này được chuyển ngữ rất mượt mà, văn phong lưu loát dễ hiểu. [Xin tiền bối hãy nhận của vãn bối một lần cúi đầu]. Gọn lại thì bộ Địch Công Kỳ Án thật sự rất hay, quyển nào càng dày càng hay, càng về sau ấn phẩm càng hoàn hảo, nhất định phải mua tiếp ?
(Sea, 12-10-2018) – Thiên Nhai Hải Giác
Sách audio .net