Một vụ điều tra án mạng trong tranh vượt qua cả không gian và thời gian.
Bạn đã bao giờ chiêm ngưỡng một tác phẩm hội họa nổi tiếng rồi bỗng dưng có một khao khát muốn tìm hiểu các nhân vật trong bức tranh có kết cục như thế nào chưa? Đối với những ai tò mò (ví dụ như mình) thì chắc cũng đã từng có ý nghĩ hơi điên đó rồi!
Julia, một nhà phục chếtranh nghệ thuật nhận được bức tranh Ván cờ của họa sĩ nổi tiếng Van Huys kèm theo thông điệp bí ẩn mà vị họa sĩ đã khéo léo lồng vào bức tranh mà không một ai phát hiện ra – mãi đến tận năm thế kỉ sau : “Qvis Necavit Eqvitem? – Ai đã giết hiệp sĩ?”. Van Huys đã để lại dòng chữ này trên tác phẩm hội họa của mình rồi lại tìm mọi cách che giấu nó đi vì lí do gì?
Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm trong ván cờ đang được chơi dang dở trong bức tranh. “Hiệp sĩ” trong thông điệp tác giả để lại mang 2 nghĩa : Một là quân Hiệp sĩ trong ván cờ, hai chính là vị hiệp sĩ cương trực đáng kính ngồi phía tay trái trong bức tranh. Julia quyết định cùng hai người bạn đồng hành của mình – Người bố nuôi sở hữu tiệm bán đồ cổ nghệ thuật và một kì thủ xuất chúng – cùng lật lại quá khứ của bức Ván cờ, cùng quay về nước Pháp năm trăm năm trước để tìm ra hung thủ đã ám sát hiệp sĩ.
Ba con người đã cùng nhau dàn dựng lại ván cờ , nhưng bằng cách khác thường: chơi ngược lại các nước đi, để tìm ra quân nào là quân đã ra nước đi cuối cùng đã “ăn/giết” quân Hiệp sĩ. Cứ ngỡ sau khi đã tìm ra được quân chủ chốt , đồng thời tìm ra kẻ ra tay ám sát vị Hiệp sĩ là ai thì mọi việc đã kết thúc. Nhưng mọi chuyện không còn đơn giản là trò truy tìm bí ẩn của bức tranh nữa
Một kẻ núp trong bóng tối xuất hiện, thách thức nhóm Julia sau khi đã ra tay sát hại hai người bạn của cô. Hắn gửi cho nhóm những manh mối kèm theo một yêu cầu đầy quái gở : Từ giờ phút này cả 2 bên phải chơi tiếp ván cờ còn bỏ ngỏ trong bức tranh để phân định xem ai là người thắng cuộc. Một bên là nhóm Julia chơi quân trắng, còn hắn – tên giết người – sẽ ra các nước đi của quân đen. Sau khi đã đi một vòng lớn chơi ngược lại ván cờ, giờ đây họ phải chơi tiếp đến đường cuối cùng. Một cuộc đấu trí đầy nghẹt thở gay cấn giữa hai bên khi cả ba càng lúc càng dấn thân vào thì càng phát hiện ra rằng bản thân mỗi người đã trở thành đại diện cho mỗi quân cờ trong chính trận đấu này : Một quân tượng, một quân hiệp sĩ và một quân hậu trắng. Rồi ai sẽ là người bị “ăn” tiếp theo trên ván cờ cận kề cái chết này?
Đây là một quyển trinh thám rất lạ! Liên quan hoàn toàn đến cờ vua. Mỗi một nước đi sẽ quyết định số phận của nhóm Julia là sống hay chết. Cái đặc sắc của truyện chính là ván cờ trong tranh trở thành manh mối mấu chốt để tìm ra kẻ giết người trong quá khứ lẫn kẻ trong hiện tại. Nhờ đọc quyển này mà mình cũng đi tìm hiểu được một chút kiến thức cơ bản về cờ vua, khá là thú vị.
Bức tranh theo trường phái Flemish gồm rất nhiều không gian bao trùm, tựa như bao hàm luôn cả không gian thực thế nơi nhóm Julia đang đứng, làm cho các vụ án trở nên như chắp nối, đan xen lại với nhau thành một tấn bi kịch vượt qua cả thời không. Đến khi màn kịch đã đến hồi kết, kẻ thủ ác lộ diện – một cái plot twist mà mình không ngờ tới! – thì ván cờ dường như cũng phải ngậm ngùi nhường lối cho thực tại.
Mình cực kì thích những bộ truyện lồng vào tìm hiểu các kiến thức, manh mối bí ẩn về nghệ thuật hội họa (nhất là vào thời Trung cổ) như của Dan Brown, hay Hoa súng đen, nên đối với mình mà nói bộ này khơi gợi lên tất cả hứng thú trong mình. Vừa đọc vừa tự nghiền ngẫm bức tranh cùng ván cờ đó thật là một thú vui không thể nào tả nổi! Cái cách không gian lồng trong không gian, người đời thực như bị cuốn vào màn kịch đau thương trong bức tranh, sống lại cùng các nhân vật trong đó, như thời gian ngưng đọng, đưa tất cả trở về thế kỉ 15,về thời Phục Hưng, nơi các trường phái hội họa đang nổi lên cuồn cuộn, về trước khi tất cả mọi đau thương bắt đầu, cái cảm giác đó chính là điều mình thích nhất ở cuốn sách này!
Một tuyệt phẩm Tây Ban Nha cực kì cực kì xuất sắc!! Đối với mình giờ nó nằm chễm chệ hàng no.1 trong Top sách mình thích nhất rồi, Thiên thần và Ác quỷ chính thức nhường chỗ cho ẻm nhé! ?
Các quân trắng và các quân đen dường như đại diện cho sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, tốt và cấu trong tâm hồn của chính con người
Con người ta không được sinh ra để giải quyết những vấn đề của thế giới, mà chỉ đơn thuần để khám phá xem những vấn đề đó nằm ở đâu
Sách audio .net