Sách nói: Biên Thành Lãng Tử

Sách nói: Biên Thành Lãng Tử

Nếu Kim Dung được phong là “đệ nhất đại hiệp” trong làng tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa thì vị trí thứ 2 thuộc về Cổ Long, cũng có những tranh luận, so sánh về vị trí này giữa Cổ Long và một vài tác gia khác, nhưng xét về số lượng và ảnh hưởng của tác phẩm đối với người xem thì vai trò của Cổ Long được khẳng định hơn. Cổ Long thành danh khi còn rất trẻ và ông mất đi lúc tuổi còn xanh. Cổ Long tên thật là Thái Diệu Hoa, quê gốc Giang Tây – Trung Quốc, nhưng ông được sinh tại Hồng Kông năm 1937. Tuổi thơ của ông gắn liền với những cuốn sách, ông đọc say sưa và nhiều tiểu thuyết. 12 tuổi ông bắt đầu sáng tác. Từ đó ông cho ra đời nhiều tác phẩm với đề tài tình yêu lãng mạn. Ông mất ngày 21-9-1985. Những năm đầu thập niên 60, tiểu thuyết võ hiệp trở nên thịnh hành ở Hồng Kông và Đài Loan, nhiều nhà văn trẻ chuyển sang viết tiểu thuyết võ hiệp, trong đó có Cổ Long. Một số tác phẩm thời kỳ đầu của ông như “Thương khung thần kiếm”, “Sương phi kiếm”, “Nguyệt dị tinh tà”, “Du hiệp lục”, “Kiếm khách hành”, “Kiếm độc mai hương”,… được độc giả đón nhận nhưng không được giới phê bình đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Thế nhưng, sau khi viết 2 bộ “Thiên kỳ anh hùng truyện” và “Tuyệt đại song kiêu”, Cổ Long mới tìm được chỗ đứng trên văn đàn võ hiệp. Cùng với Gia Cát Thanh Vân, Ngọa Long Sinh và Tư Mã Linh, ông được mệnh danh là “Tứ đại võ hiệp tiểu thuyết gia Đài Loan”. Bấy giờ Cổ Long chưa đầy 30 tuổi. Tuy đã thành danh, song cũng như những nhà văn có tác phẩm thịnh hành khác, những trang viết của Cổ Long vẫn thiếu chiều sâu. Một hôm, một người bạn trong giới nghệ thuật nói với Cổ Long: “Tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết võ hiệp, nếu được thì anh tặng tôi một bộ mà anh tâm đắc nhất. Tôi muốn đọc thử xem tiểu thuyết võ hiệp hấp dẫn như thế nào”. Lần khác, một cô nữ sinh khi biết Cổ Long là nhà văn, bèn hỏi ông viết về thể loại nào. Cổ Long trả lời:’Tôi viết tiểu thuyết võ hiệp”. Cô gái nhún vai: “Chẳng bao giờ tôi đọc tiểu thuyết võ hiệp, vì có đọc cũng không hiểu gì cả!”. Hai cuộc gặp gỡ này đã tác động mạnh tới Cổ Long. Ông tự hỏi: vì sao đến ngay cả người làm nghệ thuật cũng không biết tiểu thuyết võ hiệp? Tại sao các cô gái không thích đọc tiểu thuyết võ hiệp của mình? Không lẽ, ngoài những trang viết về võ thuật, võ công, tiểu thuyết võ hiệp không thể hiện triết lý nhân sinh và gợi lên những điều tốt đẹp?…” Trăn trở suy nghĩ, Cổ Long quyết định thay đổi cách viết, bằng thực tiễn cá nhân ông muốn chứng tỏ rằng tiểu thuyết võ hiệp cũng là một loại hình văn chương nghệ thuật. Và rất nhanh, ông đã cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng: “Lục Tiểu Phụng”, “Hiệp tặc Sở Lưu Hương”, “Vô tình kiếm khách, vô tình đao”, “Đại nhân vật”, “Bạch ngọc lão hổ”, “Thất chủng binh khí”,… Cổ Long có ngoại hình ngũ đoản như Kim Dung, nhưng đầu to hơn bình thường. Ngoài những trang viết, những thứ gần gũi với Cổ Long nhất là rượu và thuốc lá. Ông uống rượu như uống nước lã, nhưng khi đã ngồi vào bàn viết thì không đụng đến một giọt. Chính Cổ Long đã đưa thói quen này vào nhân vật Sở Lưu Hương. Khi sáng tác, tay phải ông cầm bút, tay trái là điếu thuốc lá. Trong khói thuốc mù mịt, dường như linh cảm đến với ông dễ dàng hơn… Cổ Long mất vì chứng bệnh gan do tác hại của rượu và thuốc lá.