Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã thủy chung cùng nhau sống chết và lo nghiệp lớn thành công. Sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa” đã trở thành một biểu tượng của tình bạn, nghĩa vua tôi trong lịch sử Việt Nam.Năm Quý Tỵ (1413), cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần thất bại; Đại Việt chìm trong đau thương mất mát bởi chính sách cai trị tàn bạo và thâm độc của quân Minh. Tưởng chừng như sẽ bị khuất phục trước âm mưu đồng hóa của nhà Minh nhưng Đại Việt đã quật cường đứng dậy dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo từ năm Mậu Tuất (1418).
Để bắt đầu đại nghiệp chống giặc Minh, từ năm Bính Thân (1416), Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã hội tụ ở đồi Bái Tranh, lưng chừng đỉnh Pú Mé (nay là thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) dâng hương, lễ vật, sinh huyết, tế cáo trời đất, kết nghĩa huynh đệ thề cùng nhau chống lại giặc Minh. Sự kiện này đã được nhiều bộ sử ghi lại. Cụ thể và nhiều nhất là Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (1726 – 1784): “Mùa đông, năm Bính Thân (1416) vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau”.