Cây hoa anh đào của kẻ thù – Vương Định Quốc


Dưới chân bờ đê heo hút nơi thị trấn nhỏ ven biển bỗng dưng mọc lên một quán cà phê. Chủ quán là một người đàn ông lầm lũi, cả ngày quanh quẩn trong gian tiệm nhỏ có đôi cái bàn, chờ đợi sự xuất hiện của người vợ “bỏ nhà ra đi”.

Một ngày nọ, kẻ thù của anh bước chân vào quán, quý ông lịch thiệp đã vấy bẩn lên vợ anh chỉ lẳng lặng uống hết cốc cà phê rồi ra về, và ngã bệnh. Trong khi cả thị trấn xôn xao đổ lỗi cho người đàn ông, con gái của kẻ thù lại tìm đến anh, cô muốn kiếm tìm lời giải cho bệnh tình của cha, và cả cơ hội chuộc lại lỗi lầm…

Mượn câu chuyện yêu hận giăng mắc giữa một đôi vợ chồng và một cặp cha con, Vương Định Quốc không chỉ viết về ái tình mà còn phơi bày nguồn cơn những nỗi khổ chung của con người hiện đại. Song, ẩn sau văn phong giàu ý thơ, ngòi bút tinh chế cổ điển, bàn tay uyển chuyển nhào nặn cảm xúc, theo như lời ông, “điều tôi muốn bày tỏ không phải là đau buồn…”

Một số cảm nhận từ độc giả:

Cuốn tiểu thuyết rất buồn, buồn đến nẫu lòng, nhưng giọng văn vô cùng thản nhiên nên cảm giác như cái buồn cũng vơi bớt. Cả câu chuyện là lời kể của nhân vật nam chính, cuộc đời bi kịch của anh dần dần hé lộ từ thời thơ ấu bất hạnh cho đến gian nan lúc trưởng thành, đến khi những tưởng có thể gầy dựng một gia đình đầm ấm bên người vợ hiền dịu thì biến cố lại ập đến. Có lúc mình tưởng nếu là anh thì mình thà chết quách đi cho xong, vì số phận anh trớ trêu quá. Nhưng thời đại đó là vậy, ở Đài Loan càng là vậy. Đây là một thiên tiểu thuyết bạn cần phải đọc thật chậm, thật từ tốn, lời văn tuy giản dị nhưng sâu lắng, cốt truyện không kịch tính, nhưng đủ để gây xúc động và làm hiện lên rõ ràng hơi thở của một thời kỳ đã từng hỗn loạn điên cuồng ở Đài Loan. – Haxii


Đây là một cuốn sách nên đọc chậm (mà đúng là mình phải đọc chậm thật), như khi thưởng thức một cốc cà phê, phải từ từ chậm rãi thì mới ngấm, để tâm trí của mình có đủ cảm thông để đi qua được những cảm xúc có phần hỗn độn của nhân vật tôi. Tuy ngôn ngữ dịch có phần đậm mùi văn vở Trung Hoa nhưng xét riêng khía cạnh xây dựng cảm xúc nhân vật, sự mông lung, sự tự ti, giằng xé nội tâm, thi thoảng còn khiến mình thấy thực sự ngột ngạt đến khó chịu, các chuỗi hình ảnh vết sẹo, cây hoa đào, những tấm ảnh, bụi lau trắng, ngọn đồi, chuyện ông Già và Biển Cả, … những thứ như vậy lại khiến mình có chút liên tưởng tới Haruki Murakami. Mà cũng có khi cũng đúng là có âm hưởng văn học Nhật vì rõ ràng văn hoá Đài Loan như mình từng thấy thì có sự giao thoa giữa văn hoá Nhật và văn hoá Trung Quốc thật. Thứ duy nhất mình hơi lấn cấn là nhân vật Bạch Tú. Rõ ràng không có thì không được vì là đầu mối dẫn dắt nhân vật tôi kể chuyện, nhưng có thì đôi chỗ lại thấy chưa được “tới” lắm. Nhưng nhìn chung là vẫn đánh giá cuốn này có rất nhiều điểm cuốn hút mình. – Linh Hoàng

Sách audio .net