Papillon – người tù khổ sai


Papillon – người tù khổ sai – Câu chuyện nói về hành trình vượt ngục của Bươm Bướm, biệt hiệu của Papillon – người tù khổ sai. Câu chuyện đặc biệt đã hấp dẫn, lôi cuốn, sống động hơn vì nó hoàn toàn có thật được một người tù kể lại, đó là Henry Charriere, một nhân chứng sống của chế độ Cộng hòa Pháp thế kỷ XX. Ngay từ đầu anh đã nhận ra sự đểu cáng, vô nhân đạo của nó.

Vì sao Papillon phải vượt ngục? Bởi vì anh là người vô tội. Anh không hề giết ai. Nhưng chế độ ấy không chấp nhận, nó tìm mọi cách để buộc tội anh. Cái chế độ có những người nắm lấy cán cân của công lý, nắm sinh mệnh của con người, những người bỏ công dùi mài kinh sử bấy nhiêu năm để trở thành một người có học thức, đã trải qua bao đêm trường học luật La mã và các pho luật khác, đã học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, đã hy sinh những năm tuổi trẻ… để trở thành một nhà hùng biện lớn.

 

 

Thế rồi không phải đi đến chỗ xây dựng nên pháp luật mới tốt đẹp hơn, thuyết phục cho đám đông rằng hòa bình là điều đẹp nhất trên thế giới, truyền bá một triết lý mới của một tôn giáo tuyệt vời, để ảnh hưởng đến những người khác, dựa vào ưu thế của học thức đại học để làm cho người khác tốt hơn lên và từ bỏ cái ác hay là để cứu vớt con người, mà là để dìm chết họ.

nguoi-tu-kho-sai-audio-doc-truyen-dem-khuya-audio
Papillon – người tù khổ sai

Vì một động cơ duy nhất, đó là lên thêm thật nhiều bậc trên cái thang chức nghiệp đáng ghê tởm. Đối với họ vinh quang có nghĩa là cung cấp được thật nhiều người cho nhà tù khổ sai và cho máy chém… Cái chế độ mà công chức dựa vào tù khổ sai để kiếm cớ sinh nhai. Cái “xã hội không thèm nhìn nhận đến tôi, với những con người thậm chí cũng chẳng buồn bỏ công tìm hiểu xem thử trong tôi có gì còn vớt vát được không. Về với một thế giới đang hắt hủi tôi, đang đẩy tôi ra xa mọi niềm hy vọng. Với những tập thể chỉ nghĩ đến mỗi một việc tiêu diệt tôi bằng bất cứ phương tiện nào”.

 

Trước chế độ ấy, Papillon phải vượt ngục. “Phải chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi có thể làm một thành viên của xã hội đó mà không gây thành một hiểm họa của nó. Đó là số mệnh đích thực của tôi. Tôi phải chứng minh cho bằng được rằng tôi có thể, rằng tôi đang và sẽ là một con người bình thường nếu không phải là tốt hơn những thành viên của bất kỳ tập thể nào của bất kỳ đất nước nào.”.

 

Chính vì cái mục đích và sứ mệnh cao cả ấy, anh ấy đã vượt qua không biết bao nhiêu cuộc hành trình nguy hiểm chết chóc. Có thể nói, những gì mà Papillon làm như là đang vào cõi chết, anh đã chết đi sống lại nhiều lần. Papillon với con tàu thô sơ đã chống chọi với cơn bão tàn bạo, vượt qua hàng tháng chạy bộ, qua đường rừng với đôi chân nứt toác, sống sót sau những tháng ngày bị giam cầm trong nhà tù “tử thần” ở Colombia, nhà giam trừng giới ở quần đảo Salut.

 

Papillon, một nhân chứng sống sẽ nói với các bạn rằng dù cho tinh thần có vững chãi đến đâu cũng thấy rằng “đó là một điều kinh tởm nhất, có sức làm mất tinh thần nhất mà một con người có thể chịu đựng”. Ngay cả những người nguy hiểm nhất, hung ác nhất cũng phải thốt lên rằng “Tôi thà giết mẹ mình còn hơn là phải vào cái chỗ ấy”.

 

Thế nhưng, sau những thất bại, Papillon vẫn quyết tâm vượt ngục. Anh là một con người kiên cường, không bao giờ khuất phục bằng cái chết. Đó là điều đã gây được thiện cảm và sự nể trọng của không ít người tiếp xúc với Papillon, ngay cả những người tù khổ sai. Chính vì vậy mà trong những hành trình ấy, anh đã gặp được rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ anh, bất chấp nguy hiểm như gia đình Bowen, những người hủi ở đảo Bồ Câu, những bạn tù như bác Dega, Julot – người cầm búa, Ignace Galgani, Maturette, Clousiot…

 

Sau những thất bại, nguy hiểm đã trải qua, sau khi hưởng thụ được cuộc sống đầy ý nghĩa ở Venuezela, Papillon vẫn không hề hối tiếc vì quyết định của mình. Tâm hồn anh thêm phong phú vì biết được rằng, ở nơi đâu cũng có những con người đáng quý, đáng trân trọng.

 

papillon-nguoi-tu-kho-sai-audio-doc-truyen-dem-khuya-audio-nghe-blog-radio-online
Papillon – người tù khổ sai

13 năm cách xa cuộc đời thường nhật của con người, Papillon bị chuyển hết nhà tù này sang nhà ngục cấm cố khác. Bị đày đoạ cùng cực trong tù ngục nhưng không lúc nào Papillon nguôi quên việc thực hiện khát vọng tự do để khẳng định bản lĩnh con người chân chính, lương thiện. Anh tìm mọi cách, chịu mọi cực hình để vượt khỏi tù ngục, vươn ra cuộc sống bên ngoài…

“Ba mươi sáu năm đã trôi qua, thế mà ngòi bút của tôi không phải cố gắng một mảy may khi viết lại những điều tôi đã nghĩ trong thời đoạn ấy của đời tôi”. Tác phẩm của Henry Charriere đã thành công vang dội chính là nhờ điều đó.

Henry Charriere tạo được một câu chuyện hấp dẫn với nhiều chi tiết ly kỳ, rùng rợn từ vốn sống thực tiễn ngồn ngộn mà ông đã phải trả giá cho những tháng năm tuổi trẻ gặp phải vòng lao lý, oan khiên. Bộ tiểu thuyết từng làm chấn động Paris một thời, sau này được chuyển thể thành phim và đã làm mưa làm gió ở Hollywood…

 

Tác giả: Henry Charriere (Dương Linh – Nguyễn Đức Mưu dịch) – Người thực hiện: Vân Anh

Sách audio .net