Đã lâu lắm không đi tắm suối một mình trong một trưa vắng, nên kể từ hôm về đây nghỉ hè, lúc nào Mỹ Hạnh cũng cứ ước ao. Cho đến trưa nay thì cơ hội đó tới.
Phương, anh chồng công tử khó tánh của Hạnh trở về Sài Gòn một mình bởi có công việc gấp, nên Mỹ Hạnh lập tức gọi bà Hai quản gia:
– Lát nữa Dì Hai khóa kỹ cái cổng nhà mình lại, ai gọi cũng không mở.
Bà Hai ngạc nhiên:
– Sao vậy mợ?
– Ờ thì… cháu muốn đi tắm suối. Đang tắm mà có người lạ vào thì…
Hiểu ý cô chủ, bà Hai cười:
– Khỏi khóa cổng thì cũng chẳng ai ra sau nhà được, vậy mợ đừng lo.
– Nhưng cháu muốn chắc ăn, vậy Dì cứ khóa cổng cho cháu. Nhớ, nếu có ai hỏi thì nói là cháu cũng về Sài Gòn với nhà cháu rồi.
– Dạ…
Nhưng khi Mỹ Hạnh vừa bước về phía suối được mấy bước thì bà Hai chợt nhớ, nên gọi giật lại:
– Mợ Hai, không được!
– Gì vậy Dì Hai?
– Tôi quên, ở suối có…
Mỹ Hạnh nghĩ là bà già cho rằng mình sợ ma, nên cười to vừa chạy nhanh hơn:
– Chẳng ai làm gì được cháu đâu, dì đừng lo!
– Nhưng mà…
Bà định nói hết câu, nhưng Mỹ Hạnh đã chạy mất dạng sau những lùm cây. Dòng suối chảy qua khu đất đồn điền của ba má Phương khá gần với ngôi nhà, nên trước đây Mỹ Hạnh đã đôi lần ra đó tắm, nhưng những lần ấy đều có đông người, còn nay…
Mỹ Hạnh lâu lắm mới thoát được cảnh lúc nào cũng bị chồng kè kè một bên. Nhất là hầu như khá lâu rồi Hạnh chưa có được cái thú tắm suối trong tư thế của bà… Êva có nghĩa là tắm mà không có mảnh vải che thân, giống như những cô gái thượng! Hôm nay thì nhất định Hạnh phải tắm cho bằng được kiểu ấy, để xem cái cảm giác có còn như thời con gái cô vẫn thích làm hay không?
Không mang theo khăn choàng, cũng chỉ có duy nhất bộ đồ mặc trong nhà, nên chuyện tắm Êva là điều đương nhiên. Mỹ Hạnh chọn một vị trí thích hợp và chẳng chút ngại ngần, cô tuột hết y phục ra rồi từ từ bước xuống suối. Đoạn suối này do chảy qua đất nhà, nên ngoài người trong nhà ra thì chẳng có ai lọt vô, nên Hạnh khá yên tâm mà vùng vẫy dưới dòng suối mát. Quả thật là tắm suối kiểu này thích thú nhất trần đời! Hạnh nhắm mắt lại, thả người cho dòng nước đưa nhè nhẹ đi tới. Và không biết có phải đó là định mệnh hay không, lúc Mỹ Hạnh mở mắt ra thì chợt hoảng hốt, khi nhìn lên bờ phát hiện ra mình đã bị dòng nước đưa đi khá xa, hình như là đã ra khỏi khu đồn điền!
Mặc dù bơi khá giỏi, nhưng nước lúc này chảy xiết, nên rất khó khăn cho Hạnh khi bơi ngược dòng. Phải mất khá lâu, nhưng nhìn lên bờ cô vẫn thấy chừng như mình chưa trở lại được bao xa! Hơi hoảng, bởi lúc này dù có muốn leo lên bờ để trở về cho nhanh thì Hạnh cũng không dám.
Cố hết sức, vừa bơi vừa bám vào những gờ đá, những vết cắt do đá bén và trơn suýt làm cho Hạnh phải bật khóc, nhưng trong cơn nguy cấp này, cô vẫn phải ráng hết sức và nén đau… Phải mất gần nửa giờ sau, Hạnh vừa thoáng thấy mái ngôi nhà lầu của mình thì chợt cô sảy tay, chới với giữa dòng và… cô cảm giác như có ai đó từ phía trên dòng nước lao khá mạnh vào mình. Rồi thì mọi thứ như đảo lộn…
Bà Hai hốt hoảng chạy đi tìm khi chờ mãi mà không thấy Mỹ Hạnh trở về và gặp cô nằm ngất trên một tảng đá trong tình trạng không mảnh vải che thân. Một cách mệt nhọc, bà cõng được Hạnh về nhà cũng vừa lúc cô tỉnh lại. Tuy nhiên, suốt đêm hôm đó Hạnh cứ gào to rồi khóc rưng rức. Bà Hai có hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng Mỹ Hạnh không hề hé răng.
Phương và gia đình nhà chồng được báo tin và họ lập tức lên ngay đồn điền, sau đó đưa Hạnh về Sài Gòn.
Nhưng thật lạ mỗi lần chiếc xe chở Hạnh vừa ra tới cổng thì động cơ ngừng hoạt động. Lặp lại đến gần chục lần như vậy, chính Phương cũng phát hoảng và không còn kiên nhẫn được nữa, phải đích thân cõng vợ ra lộ đón xe đò để đi bởi tình trạng sức khoẻ của Hạnh càng lúc càng suy giảm. Một lần nữa điều kỳ lạ lại xảy ra, chiếc xe đò đang chạy ngon lành, nhưng từ lúc Hạnh được đưa lên thì bị tắt máy!
Mất gần một giờ, tài xế cũng không cách nào làm cho xe chạy được, làm cho nhiều hành khách bực bội, chuẩn bị bỏ xe, đi xe khác. Lúc ấy bà Hai mới nói khẽ với Phương:
– Không cách nào khác hơn, cậu Ba nên đưa mợ Ba trở vô nhà rồi mình tính sau…
Phương lại cõng vợ trở vô với nỗi thất vọng, ông bà Hiệp Hòa, cha mẹ Phương vô cùng lo lắng:
– Gần đây đâu có thầy thuốc hay bệnh viện, mà tình trạng của con Hạnh thì quá nguy kịch, vậy có lẽ bà Hai phải đi giùm, gọi y tá cũng được, bảo họ tới ngay.
Bà Hai vừa thay áo, chưa kịp đi thì Mỹ Hạnh tỉnh lại. Lần này cô không la hét như lúc trước, mà trái lại, cô đã bật ngồi dậy, đi đứng khá tự nhiên, như không hề có việc gì xảy ra. Có điều, ai hỏi gì về chuyện đã xảy ra thì cô chỉ lắc đầu.
Ba tháng sau…
Tin Mỹ Hạnh mang thai làm cả nhà chồng đều mừng vui khôn tả. Bởi từ ngày cưới đến lúc đó đã gần năm năm mà Hạnh vẫn chưa có tin vui. Nhưng trái với niềm vui của nhà chồng. Mỹ Hạnh lại ra chiều ủ dột và ít nói, ít cười…
Hơn sáu tháng sau nữa..
Tới ngày sanh, Mỹ Hạnh chẳng biểu hiện gì bất thường, nên ai trong nhà cũng thoải mái chờ đợi, ít ngày sau, Hạnh vào nhà bảo sanh ngay lúc có triệu chứng đau bụng. Và đúng nửa đêm hôm đó cô sanh.
Phương và mẹ theo, đứng chờ bên ngoài phòng sanh. Khi cô y tá bước ra, bà Hòa Hiệp hỏi ngay:
– Thế nào cô, trai hay gái?
Cô y tá hết nhìn bà rồi nhìn sang Phương, chị hơi ngập ngừng:
– Con trai. Có điều là…
Phương hoảng hốt:
– Có chuyện gì vậy cô?
Lúc đó vị bác sĩ phụ trách sanh bước ra, bà nói thẳng:
– Một đứa con trai kháu khỉnh, tuy nhiên nó lại không được trắng như cha mẹ.
Bà Hòa Hiệp kêu lên:
– Cái gì? Sao lại…
Cô y tá bổ sung:
– Thằng bé mũi tẹt, nhưng da lại đen như… dân châu Phi!
Hai mẹ con Phương đứng chết lặng, trong lúc bên trong phòng sanh Mỹ Hạnh đang khóc nức nở.
Càng nhìn thằng bé. Phương lại càng mường tượng nó giống như người nào đó mà anh đã từng gặp… Cho đến khi bà Hai nhắc khéo:
– Cậu Ba có nhớ thằng Hơ Răng ngày xưa không?
Cái tên Hơ Răng làm cho Phương giật mình, há hốc mồm, người thì toát mồ hôi. Đúng rồi!
Hơ Răng là một thanh niên người Thượng, đã vô tình đập chết con chó săn của gia đình Phương cách đây gần mười năm và chính Phương khi ấy sẵn cây súng săn trên tay đã giết chết anh ta bằng hai phát đạn. Đúng ra thì Phương đã phải đi tù vì vụ đó, tuy nhiên nhờ có nhiều tiền và thế lực nên cuối cùng Phương thoát nguy.
Từ đó Phương dần quên tội ác của mình. Nhưng hình như ở thế giới tâm linh thì không…
Một ngày kia, khi bà Hai ở giữ trang trại một mình thì có một ông già làng người Thượng ghé qua. Sau khi quan sát khắp nhà một lúc, ông ta nói mà không chờ được hỏi:
– Nhà này làm sao bà ở được nữa, khi hồn phách thằng Hơ Răng nó đã về đây rồi.
Sau cùng, trước khi bước ra, ông nói:
– Sắp tới ngày nhà này phải trả lại cho Hơ Răng những gì là của nó!
Và ông biến mất…
Chỉ một ngày sau, có tin từ nhà của Phương cho hay Phương tự dưng phát điên, đập phá lung tung và dọa giết bất cứ ai lại gần. Mỹ Hạnh thì từ lúc sanh con, đã bị nhà chồng hất hủi, đã bỏ nhà đi biền biệt, không quay trở về…
Nửa năm sau thì cả ông bà Hòa Hiệp đều qua đời một cách đột ngột và bí ẩn.
Thằng bé oan gia được xác định là con của Hơ Răng, do hồn anh ta đã cưỡng đoạt Mỹ Hạnh lúc cô tắm suối và sanh ra. Nó lớn rất nhanh và càng lớn càng giống Hơ Răng như đúc!
Hơn chục năm sau, cái gia sản khổng lồ của nhà Hòa Hiệp, trong đó có khu đồn điền rộng ngút ngàn của họ, bỗng dưng bốc cháy gần như cùng lúc! Người ta đồn rằng, cái oan thai kia đã báo thù một cách cay độc…
( nguồn: blogviet.com.vn )
Sách audio .net