Văn hóa cổ đại Ấn Độ là một trong những nền văn hóa lâu đời và huy hoàng nhất của nhân loại. Thần thoại và sử thi là sản phẩm vĩ đại của nền văn hóa này. Qua những nghiên cứu hệ thống từ thần thoại đến các tác phẩm văn học cổ đại như Sơkuntơla, Rama và Sita, và tập sử thi đồ sộ nhất của nhân loại – Mahabharata, GS. Cao Huy Đỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu Việt Nam, người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian Ấn Độ đã tạo nên một đường dẫn khám phá nền văn hóa vĩ đại của nhân loại, cũng như tạo điều kiện chỉ ra những mối ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Thần thoại Ấn Độ là sáng tác dân gian truyền miệng của nhiều chủng tộc, nhiều địa phương kế thừa lẫn nhau trong quá trình phát triển đất nước. Đó là một thế giới thần thoại kì ảo, được giữ trong các tập sách đồ sộ.
Tác giả Cao Huy Đỉnh đã nhận xét: “Mỹ cảm của người Ấn Độ bị hương khói của tôn giáo che mờ, bị tư biện triết học làm băng giá, bị phù chú và kinh kệ vùi dập. Chủ nghĩa duy tâm đã dẫn đến nguyên lí mỹ học phản hiện thực: lí tính siêu thực chỉ đạo cảm tính, cá nhân phải đồng hóa với vũ trụ, sự hưởng lạc cảm quan đi liền với chủ nghĩa khổ hạnh. Cuộc đời được miêu tả như trò chơi phù phiếm hay ảo mộng mà thượng đế bày đặt ra để thử thách con người. Thượng đế là chân thực, trần thế là hư vô. Quan niệm về hiện thực như thế là bị đảo lộn”.
Cuốn sách là tập hợp có tính khai mở cho việc nghiên cứu có hệ thống một nền văn hóa đặc thù, là sản phẩm mẫu mực cho một giai đoạn nghiên cứu mà tác giả đã vượt lên những khó khăn để đóng góp cho xã hội phần tinh hoa nhất của mình.