Tôn Tử, tên Vũ (Võ), tự Trường Khanh, không rõ năm sinh năm mất. Sống cùng thời với Khổng Tử (cuối thời Xuân Thu: năm 551-479 trước Công Nguyên), người Lạc An, nước Tề (nay là huyện Huệ Dân, tỉnh Sơn Đông), được coi là nhà lý luận quân sự nổi bật nhất thời cổ đại Trung Quốc.
Binh pháp Tôn tử là tác phẩm lý luận quân sự sớm nhất và xuất sắc nhất trong Vũ kinh thất thư (7 cuốn binh thư được lưu truyền rộng rãi nhất) ở Trung Quốc. Theo các nhà khoa học quân sự hiện đại của Trung Quốc, Binh pháp Tôn tử chứa đựng những tư tưởng triết học quân sự sâu sắc và hoàn chỉnh; 13 thiên binh pháp của Tôn tử đã tổng kết những kinh nghiệm chiến tranh của Trung Quốc thời cổ đợi, đúc thành một hệ thống lý luận quân sự tinh thâm uyên bác, đã từng bồi dưỡng nên những quân sư thiên tài trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc như Tôn Tẫn ( mà nhiều nhà sử học cho là cháu đích tôn của Tôn tử), Úy Liêu thời Chiến Quốc, Hàn Tín đời Hán, Lý Tịnh đời Đường, Nhạc Phi đời Tống và nhiều danh tướng khác. Các nhà sử học cho rằng tất cả những mưu lược được truyền tụng lâu nay trong Tam Quốc chí về cơ bản, đều lấy trong Binh pháp Tôn tử.
Trong tác phẩm quân sự nổi tiếng làm cơ sở lý luận cho cuộc chiến tranh cách mạng Trung Quốc, cuốn Luận trì cửu chiến (Bàn về đánh lâu dài), lãnh tụ Mao Trạch Đông đã nhắc đến phương châm “biết người biết ta, trăm trận không nguy” của Tôn tử và coi đó là một chân lý khoa học. Các tướng lãnh Trung Quốc cố nhiều người nghiên cứu rất sâu Binh pháp Tôn tử, nổi tiếng nhất là nguyên soái Lưu Bá Thừa và đại tướng Quách Hóa Nhược.