Nguyên là Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Tuyên Quang, Đỗ Anh Mỹ tham gia điều tra, phá nhiều vụ án có tình tiết phức tạp. Ông có vốn kiến thức chuyên môn cộng thêm năng khiếu văn chương có sẵn những truyện ngắn mang hơi hướng hình sự dần ra đời.
Tác giả cho biết, tập truyện ký Chiếc chìa khóa vàng được ấp ủ sau hơn 10 năm, quãng thời gian dài cho ông nhiều chiêm nghiệm, sáng tạo.
Tác giả trẻ Tạ Ngọc Dũng có nhận xét, tập ký Chiếc chìa khóa vàng có 21 tác phẩm, mỗi tác phẩm là một vụ án hình sự được tái hiện sinh động. Điều hấp dẫn ở đây là mỗi truyện, Đỗ Anh Mỹ lựa chọn cách kể và dẫn dắt riêng, không tạo sự nhàm chán cho độc giả.
Ma Hải Ngũ là truyện ký kể về một vụ án giết người. Bối cảnh tại một phiên tòa, bị cáo là Lý Khái Sía người dân tộc Dao. Cáo trạng ghi rõ vì tin vợ mình bị ốm là do bị bà Ly bỏ bùa, Sía lên kế hoạch và bắn chết bà Ly.
Ban đầu các vị chánh án, chánh tòa kết luận Sía có tội danh giết người với khung hình phạt cao. Tuy nhiên, qua lý lẽ sắc bén của vị luật sư cộng thêm ý kiến chân tình của vị hội thẩm nhân dân, Sía đã thoát khỏi án tử hình. Tòa tuyên án Sía khép vào tội danh giết người do mê tín dị đoan và nhờ sự thật thà khai báo mà được hưởng sự khoan hồng.
Bối cảnh truyện được gói gọn trong một phiên tòa, thế nhưng Đỗ Anh Mỹ có cách kể khá hấp dẫn. Đó là cách miêu tả sắc thái nét mặt, hành động, cử chỉ của bị cáo, chánh án, luật sư…, qua đó tạo được kịch tính cho câu chuyện. Đặc biệt, giọng văn khá linh hoạt, biết biến hóa ngữ điệu riêng để hợp với mỗi nhân vật. Nói về bị cáo Khái Sía, tác giả nhập thân để miêu tả diễn biến nội tâm, cách cảm cách nghĩ: “Con ma đi qua mặt mình nó còn nhìn mình mà. Nó đi mấy bước thì mình bóp cò… Con ma có cái bụng xấu…”.
Truyện Chiếc chìa khóa vàng kể lại hành trình phá án của các cảnh sát hình sự. Cách dẫn chuyện gay cấn, hấp dẫn gợi tò mò cho độc giả. Những tình tiết được khắc họa, tái hiện khá sinh động. Mở đầu câu chuyện tác giả tái hiện khung cảnh khá gay cấn, đó là lão Hạng gay gắt chống đối việc tạm giữ. Ông buông lời kêu oan, dọa dẫm kiện cáo. Đây là đối tượng tình nghi số 1 nhưng tình tiết còn mù mờ nên các điều tra viên không có chứng cứ để buộc lão Hạng nhận tội.
Vụ án xảy ra tại một bản làng miền núi, nạn nhân là lão Toàn, chết do bị giết với nhiều vết thương khắp cơ thể. Cuộc điều tra tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, thế nhưng có một chứng cứ quan trọng đã được thu thập tại lán nhà lão Hạng. Vết máu là “chiếc chìa khóa vàng” mở ra mọi bí ẩn, tình tiết vụ án dần được hé lộ. Cuối cùng lão Hạng phải cúi đầu nhận tội trước chứng cứ và lý luận sắc bén của các điều tra viên.
Truyện ngắn có kịch tính và nút thắt truyện khá độc đáo. Tác phẩm thể hiện hành trình phá án vất vả, khó khăn của đội ngũ cảnh sát hình sự: “Gánh nặng phá án đặt lên vai những người đi tìm hiện trường dấu vết. Ngày đêm ròng rã trên chiếc mảng chòng chành lần mò vào khe núi…”. Dẫu trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng các anh vẫn kiên trì, mưu trí lần tìm dấu vết tội phạm.
Độc giả Phạm Lê Hương, sinh viên Khoa Văn Truyền thông, Trường Đại học Tân Trào chia sẻ: “Được tác giả Đỗ Anh Mỹ tặng tập truyện ký Chiếc chìa khóa vàng, em đọc liền một mạch. Em bị lôi cuốn theo tình tiết li kỳ của truyện, truyện có tình huống “cao trào”, có “nút thắt” nên độc giả đều say mê đọc. Những vụ án giết người, cướp tài sản, phóng hỏa, tạt a xít được tái hiện lại thông qua ngôn ngữ văn học…”
Khép lại tập truyện ký Chiếc chìa khóa vàng độc giả như được phiêu lưu, khám phá những vụ án hình sự. Dẫu một số tình tiết truyện được thể hiện hơi khiên cưỡng nhưng tác phẩm phần nào đã tạo ấn tượng cho độc giả. Chiếc chìa khóa vàng đã đóng góp vào văn đàn xứ Tuyên một tác phẩm với mảng đề tài độc đáo, ít người viết, tạo nên bức tranh văn học thêm phong phú sắc màu.