Nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway, tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, sinh năm 1899 tại Oak Park, bang Illinois, có bố là bác sĩ và mẹ là ca sĩ. E. Hemingway học hành dang dở, chưa qua trung học đã trốn nhà trốn trường bỏ đi kiếm sống, từ làm công ở trang trại, làm túi đấm ở lò quyền Anh đến làm thông tín viên cho tờ “Kansas City Star”… Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, E. Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ ở vùng Bắc Italy và bị thương tại đó, mở đầu cho hàng trăm vết thương ông mang trên mình khi sống sót bước ra khỏi cuộc chiến.
Sau không mấy thành công với tập truyện ngắn “Trong thời đại của chúng ta” (In Our Time – 1925), E. Hemingway đã lần đầu tiên được người đọc Âu-Mỹ biết đến qua tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises – 1926). Ba năm sau, ông tung ra cuốn “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms – 1929) làm say lòng bạn đọc trẻ tuổi bởi câu chuyện tình đẹp đẽ mà bi thảm của viên sỹ quan quân đội Đồng Minh và cô nữ cứu thương. Sau đó, bảy năm liền, hầu như ông không viết gì, chỉ mê mải với những trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, săn sư tử ở châu Phi, câu cá kiếm ở Caribe…Chính là từ những “lang thang” đó, E. Hemingway đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ như “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro – 1936), “Có và không có” (To Have and Have Not – 1937), “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls – 1940), “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea – 1951). Đó chính là những cuốn tiểu thuyết làm nên cái tên Ernest Hemingway, đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý dành cho Văn học mang tên Nobel vào năm 1954. Khi đó ông đang ở một vùng chài lưới ven biển Cuba, đã không sang Thụy Điển dự lễ trao giải, chỉ gửi tới lời cảm ơn, nói rằng mình vô cùng sung sướng, vô cùng hãnh diện… rồi quần cộc, cởi trần, ông lên thuyền ra biển với bộ đồ nghề câu cá lớn. Phải, ông rất thích câu được những con cá lớn, còn mang được nó lên thuyền, chở được nó vào bờ hay không lại là chuyện ông không nghĩ tới.
Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).