Hồi ký “Có một thời như thế” được tác giả Võ Minh dựng lại theo bút pháp nhật ký với 254 trang. Chiến tranh trong cuốn hồi ký của tác giả Võ Minh trần trụi, hiện thực ác liệt. Không mộng mơ, khát vọng như nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; không lãng mạn như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, hồi ký “Có một thời như thế” chẳng chữ nghĩa cầu kỳ mà thành thực kể lại cho người thân, bạn bè nghe về những chặng đường gian truân, ác liệt của cuộc đời mình và đồng đội. Qua hồi ký, tác giả Võ Minh đã dựng lên tiểu sử của chính mình: Nhập ngũ năm 1970; tháng 11/1971 biên chế vào Trung đoàn 271, vượt Trường Sơn vào B2; tháng 6/1973 chỉ huy đơn vị giữ chốt ở Campuchia; tháng 9/1973 hành quân về Nam Tây Nguyên; tháng 2/1974 bị đạn M79 bắn vào đầu, bị thương nặng…Đơn vị do Thiếu úy-Trung đội trưởng Võ Minh chỉ huy năm ấy có 26 người, đến từ các vùng quê Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… nhưng khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh, chỉ còn vỏn vẹn có hai người trở về với những thương tích nặng nề.
Hồi ký của Võ Minh không cầu kỳ văn phong mà thật sinh động với những câu chuyện thời chiến. Một trận sốt rét rừng, một vị ngọt rau môn thục, một tử sĩ mối vùi trên võng, một chiều hành quân, một sườn dốc đứng phải leo bằng thang dây dựng trời, một tối đói quá phải vào nương đào trộm sắn… Ông đau đớn và say sưa viết lại ký ức của mình, khắc tạc nên dáng vóc những đồng đội phơi phới tuổi thanh xuân, những trận đánh liên tiếp ngày đêm, những tình huống quá sức chịu đựng của con người. Ông viết về chính ông-người lính đã đi qua tận cùng bom đạn, bị thương lạc trong rừng 3 ngày liền, đến nỗi khi tìm về được đơn vị, vết thương vì đạn M79 đã nhung nhúc những giòi…
Trở về sau chiến tranh, vết thương chồng chất, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Võ Minh vẫn quyết theo đuổi con đường học tập dang dở, học điện khí hóa tại Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội). Đến năm 1980, ông làm kỹ sư điện ở Cục Cơ khí (Bộ Giao thông – Vận tải). Cuối năm 1983, đầu năm 1984, Võ Minh là người Việt Nam đầu tiên thiết kế và lắp đặt hệ thống điện điều khiển tàu biển 1.000 tấn và hệ thống điện của cần cẩu tháp xây dựng. Thời điểm đó, những kỹ thuật như vậy phải nhập ngoại hoàn toàn.
Phần nào ổn định công việc, cuộc sống, ông kết nối với những đồng đội của Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 271 miền Đông Nam bộ, ngược xuôi với những chuyến đi thiện nguyện giúp đỡ gia đình cựu chiến binh, trở lại chiến trường xưa. Võ Minh luôn đau đáu với những cảnh đời đồng đội. Trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng dành những trang trân trọng nhất để liệt kê danh sách liệt sĩ thuộc Trung đoàn 271 đã hy sinh ở chiến trường Campuchia, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, những mong sẽ bắc nhịp cầu diệu kỳ nào đó, đưa thông tin liệt sĩ đến với thân nhân, gia đình.
Cuốn hồi ký được Nhà xuất bản Thanh niên in lần đầu vào tháng 12/2010 và đã được tái bản tới 6 lần.
Sách audio .net