Giường đơn hay giường đôi – Cầm Sắt Tỳ Bà


Sachaudio.net – Câu chuyện ấy không lãng mạn như thi ca, không dữ dội như thác nước, càng không ám ảnh như một bóng ma. Câu chuyện là một sự chuyển động vẫn diễn ra trong cuộc sống, ở xung quanh ta, ở gần hoặc ở xa.

Nhân vật trong truyện không là ai, chỉ là chính họ, có thể là hư, cũng có khi là thật.

Nói nhẹ nhàng, không hẳn thế. Nói mãnh liệt, chưa đến nổi. Nói bình dị, thật ra đó là kết quả chứ không phải quá trình. Mỗi người thường nhớ mãi một câu chuyện, không nhất thiết phải vì nó hay mà do có những chi tiết quen thuộc, hoặc liên quan, hoặc từng xảy ra với bạn.

Giường đơn hay giường đôi là một trường hợp như vậy đối với tôi. Có thể bạn sẽ bực bội khi đọc quyển sách này, có thể bạn nhàm chán mà bỏ dỡ, cũng có thể bạn xem hết mà không đọng lại quá nhiều xúc cảm trong lòng. Tôi nghe một phần câu truyện bằng audio nhưng sau đó lại quyết ôm sách về nhà. Tôi thừa nhận mình có phần nào giống cô gái đó – một kiểu con người không dễ mến, không biết cư xử phù hợp và thích làm bản thân bi lụy, cứ như thể cả thế giới đang mắc nợ cô ta…

******

Giường đơn hay giường đôi, không có dấu chấm hỏi (?), không phải câu nghi vấn, không phải câu khẳng định, không phải câu cảm thán… chỉ trần thuật. Dù sao nó cũng chẳng có chủ – vị ngữ. Hai cụm danh từ và một liên từ, nói thế nào cũng không được gọi là một câu.

Đơn hay đôi cũng là giường, cũng đều dùng để ngủ. Với một người, giường đơn vừa đủ, giường đôi thì rộng. Với hai người, giường đôi vừa đủ, giường đơn lại chật. Nhưng đủ, rộng hay chật không phải là khoảng cách chuẩn mực mà chỉ là một loại cảm giác ước lệ. Bởi vì có khi, hai người trên một chiếc giường đơn lại cảm thấy vô cùng đủ, nhưng một người trên giường đôi lại cảm thấy vô cùng thiếu.

Hải Anh nói: “Kết hôn dễ, sống chung khó”

Mua một cái giường rất dễ nhưng làm sao cùng ngủ một giấc ngon trên chiếc giường mới là khó. Không cần biết là giường đơn hay đôi, chỉ cần có thể sẻ chia, giường vẫn luôn ấm áp.

Milan Kundera – một nhà văn nổi tiếng người Pháp đã nói: “Tình yêu không phải thể hiện qua ham muốn làm tình, mà thể hiện trong khát vọng được ngủ bên nhau”.

Người ta thường hình thức hóa tình yêu qua việc chuẩn bị giường tân hôn trước ngày cưới, phải là gối đôi long phụng, phải là chăn đệm đỏ, phải xếp ngay ngắn quy cũ, phải thế này, phải thế kia. Nhưng sự thật, điều quan trọng làm nên hạnh phúc chỉ có một: người nằm bên cạnh bạn là ai.

Mẹ Hoa Ban từng nói: chữ kí nên đơn giản thôi, để cuộc đời được đơn giản. Mình nghe lời mẹ, chỉ xài hai kí tự TH, không phải cầu mong cuộc sống đơn giản, chỉ vì không thèm suy nghĩ dài dòng. Cuộc đời thế nào là do bản thân định đoạt, không phải tướng mạo, không phải chỉ tay, không phải nốt ruồi càng không có lý do vì chữ kí.

Nhân sinh quan, giá trị quan là hai yếu tố lớn tác động đến cuộc đời bạn. Chúng có thể khiến bạn cười dưới cảnh bần hàn hoặc khóc trong vinh hoa phú quý. Nữ chính – Diệp Phổ Hoa trong câu chuyện vừa đáng thương, lại đáng trách bởi cô ấy có nhân sinh quan và giá trị quan không rõ ràng, còn có lúc sai lệch, chống đối lại cảm xúc khiến bản thân mình khổ mà người bên cạnh càng đau.

Mọi thứ bắt đầu khi Phổ Hoa 14 tuổi và vẫn chưa kết đến trang cuối cùng

Kỷ An Vĩnh, Thi Vĩnh Đạo, Doãn Trình, Phong Thanh – bốn cậu con trai Phổ Hoa va phải trên hành lang trường học. Một người cô thầm mến từ lâu, một người bắt đầu yêu cô từ đó và hai người làm khán giả trong suốt cuộc tình.

Mười bốn tuổi, bánh xe định mệnh đã quay…

Kỷ An Vĩnh – cậu bạn lịch thiệp và bí ẩn phía sau gọng mắt kính, cậu bạn khiến cô để tâm chú ý, cậu bạn cô muốn xin giúp đỡ với môn Hóa Học, cậu bạn cô thường gửi thư và thiệp không dưới ba lần. Nhưng kết quả anh chưa bao giờ bên cô, cũng chưa bao giờ hiểu cô.

Cùng lúc đó có một Thi Vĩnh Đạo đã mong ước biết bao vị trí của Kỷ An Vĩnh trong lòng cô.

Anh không thần thần bí bí như An Vĩnh, nếu thích anh sẽ thổ lộ, nếu yêu anh sẽ theo đuổi, nếu muốn anh sẽ tranh đoạt.

Vĩnh Đạo khắc lên bàn học: “Trị số PH của D”. Quyên Quyên và Phổ Hoa nghĩ rằng trạng nguyên Hóa Học của thành phố đã phát rồ vì các phương trình và công thức rồi. Thật ra PH và D là viết tắt của hai cái tên, là một cách đưa ra ám hiệu với tất cả nam sinh “Phổ Hoa là của Vĩnh Đạo”.

Anh dùng những cách thức ngầm trong thế giới của bọn con trai để khẳng định “chủ quyền” của anh đối với cô. Nhiều năm sau đó, Phổ Hoa vẫn chưa hình dung hết anh đã dùng bao nhiêu hành động để lập đi lập lại lời nhắc nhở đó.

Anh bao tất cả sách vở bằng giấy photo bảng ghi nhớ công thức tiếng anh cô viết. Anh đánh nhau với Lý Thành Tự vì cô bị đổ oan, lại tiếp tục đánh nhau vì cô bị ức hiếp. Anh thường gửi thiệp mật danh cho cô, anh lẳng lặng chơi bóng một mình dưới sân vì biết rằng ở sân thượng trên kia cô đang ngồi khóc.

Tình yêu của anh khiến cô sợ, cũng vì anh luôn trực tiếp mà cô thì luôn trốn tránh. Thi Vĩnh Đạo là yêu như thế. Tôi hơi buồn cười mà liên tưởng tới các loài vật, chúng dùng nước tiểu, mùi cơ thể đánh dấu khắp nơi trong lãnh địa. So sánh hơi thô thiển nhưng đúng là Vĩnh Đạo cuồng mê với cô như thế. Anh sẽ lồng lên như hổ dữ để bảo vệ cô, phản ứng thái quá với người khác phái gần gũi cô. Phổ Hoa không hiểu điều này nhưng các nam sinh trong lớp 10 năm đó đều biết. Thậm chí mười mấy năm sau Ngu Thế Nam còn nói với cô rằng: “Ngoài cậu ta… ai dám muốn cậu!”.

Từ cậu nhóc học cấp 2, cậu thiếu niên cấp 3, cậu thanh niên đại học, ngươi đàn ông 21 tuổi rồi người đàn ông 30… trải qua 15 năm. Cuộc đời có mấy lần 15 năm như thế? Trên đời có mấy Thi Vĩnh Đạo có thể chờ đợi, mãi chờ đợi như thế? Diệp Phổ Hoa ơi là Diệp Phổ Hoa, cô luôn nghĩ mình là một người trên thế giới nhưng có biết mình là thế giới của một người?

Thi Vĩnh Đạo không phải hình mẫu bạch mã hoàng tử trong nhiều tiểu thuyết, anh có điểm mạnh và điềm yếu, anh đủ giỏi, đủ thanh tú, anh chỉ là một người trong triệu người nhưng anh khiến tôi cảm phục và xúc động. Sẽ có mấy ai dám yêu, dám đánh đổi, dám liều mạng cho một hy vọng mong manh, dám kiên trì và bỏ ra 15 năm cuộc đời cho một cô gái?

Mười lăm năm, bốn phần chờ đợi, ba phần thất vọng, hai phần bất an và một phần hạnh phúc.

Thất bại lớn nhất của anh chính là sự im lặng của cô. Tôi chán ghét cái im lặng đó, thà nói Không chứ đừng im lặng. Cô im lặng khiến anh ngốc nghếch hy vọng. Im lặng nên anh không biết cô nghĩ gì, muốn gì. Im lặng nên anh hoài nghi và bất an. Im lặng nên không bao giờ có cơ hội thấu hiểu.

Anh biết cô khi cô đã mến người khác. Thiên không thời.

Anh thích cô nhưng cô chuyển lớp rồi học khác trường. Địa không lợi.

Anh yêu cô khi An Vĩnh vẫn hay xuất hiện, Quyên Quyên không ủng hộ, Hải Anh không ý kiến, không có ai đả thông tư tưởng cho cô. Nhân không hòa.

Giữa trùng điệp khó khăn anh vẫn trở thành bạn trai rồi thành chồng của Phổ Hoa, tất cả là sự cố gắng không ngừng nghĩ của Vĩnh Đạo. Anh quá nhiệt tình, quá khát vọng cuộc sống hai người, quá đổi yêu nhưng đáp trả là cái im lặng bất tận, sự chấp nhận không rõ ràng và thái độ không vui không buồn. Vì cô không thể hiện tình cảm nên anh không biết cô có yêu mình không, nghi ngờ tình cảm của cô với An Vĩnh, lo lắng dù ở chung mái nhà, bất an dù ôm cô trong lòng. Bạn có từng nghĩ vì sao đối thoại của người Tây phương luôn cần âm mũi “ừ hử” trong lúc nghe người khác nói. Dù không nêu ý kiến, bạn vẫn phải thể hiện mình đang nghe, đang tiếp thu. Trong giao tiếp thất bại lớn nhất không phải nói sai mà là không nói gì. Ở điểm này Phổ Hoa và Vĩnh Đạo khác nhau một trời một vực. Anh có thể nhìn vào mắt cô mà hỏi vài trăm lần:

“Cậu thích mình không? Cậu yêu mình không?”

Cô ấy đáp trả bằng sự im lặng. Nhưng anh vẫn cứ hỏi mãi

“Cậu thích mình không? Cậu yêu mình không?”

“Cậu thích mình không? Cậu yêu mình không?”

“Cậu thích mình không? Cậu yêu mình không?”

Tôi run run cầm sách khi nhìn thấy dòng chữ lặp đi lặp lại, đều đều như thôi miên, nhẫn nại đến cùng cực, lẩn quẩn như mê cung và khắc khoải như người mù hỏi trong bóng tối: “Ánh sáng ở nơi đâu?”

Phổ Hoa trách anh không tin cô nhưng sao không nghĩ chính mình chưa bao giờ tạo ra niềm tin cho Vĩnh Đạo? Anh yêu trong cái hạnh phúc mập mờ, trong mong lung và nổi bất an vô định. Chính tôi cũng thở dài, chắc kiếp trước Vĩnh Đạo nợ cô nhiều lắm nên kiếp này mới khổ vì nàng như vậy.

Trong chuyện này cả hai đều có lỗi lầm nhưng tôi cho rằng Phổ Hoa sai nhiều hơn. Cô tự ti, nhu nhược, khép kín, chỉ biết trốn tránh, nép mình vào vỏ kén nên mãi không nhìn thấy mặt trời, mãi không hóa ra đôi cánh bướm mà bay đi. Sống với một con người như vậy, mệt mỏi biết bao nhiêu, kiên trì biết bao nhiêu để 15 năm vẫn yêu như thuở ban đầu.

Thái độ sai lầm nhất trong hạnh phúc chính là BỊ ĐỘNG CHỜ ĐỢI.

Vĩnh Đạo cũng chờ nhưng không ngừng cố gắng còn Phổ Hoa mỗi khi đánh mất lại ngồi chờ, chỉ chờ và chờ. Cô đã quên một điều: Trái Đất còn có tuổi thì có thứ gì là không ranh giới? Sẽ có một ngày anh không quay về, là khi cô bức anh đi tới giới hạn đó.

“Em tưởng rằng… anh sẽ trở về… Trước đây… anh đều quay lại”.

“Nếu anh đi sai đường… em phải đến tìm anh… túm anh lại… biết chưa?”.

Đầu truyện mình đã thương cảm với nổi đau của Phổ Hoa khi biết anh tái hôn nhưng càng về sau lại thấy cô rất đáng đời. Con người thường xem thường những thứ mình có đến khi mất mới nhận ra nó quý giá dường nào.

Trong hôn nhân, thái độ và các cư xử rất quan trọng. Khi mâu thuẫn, im lặng là cách giải quyết tồi nhất. Hôn nhân đỗ vỡ có khi không phải vì tình yêu mà là cách cư xử khiến đối phương bất an, nghi ngờ, thất vọng, hiểu lầm… cuối cùng sẽ là MỆT MỎI.

Nữ chính trong câu chuyện rất may mắn. Có một bờ vai luôn chờ cô dựa vào, có một tình yêu kiên trì mười lăm năm, rồi hai mươi lăm năm không thay đổi, có một đôi mắt luôn dõi theo bước chân cô và một Thi Vĩnh Đạo nguyện cho cô thanh xuân, cho cô toàn bộ thời gian còn lại trong cuộc đời anh ấy…

Tình cảm bắt đầu từ mùa hạ năm Phổ Hoa mười bốn tuổi đó, trải qua vô số lần thăng trầm, vào ngày Vĩnh Đạo ba mươi tuổi, như ý… viên mãn…

Một phần tư thế kỷ đã là duyên phận không cầu được, càng phải biết coi trọng.

Triều Triều Mộ Mộ, Triều Triều Mộ Mộ.

[Triều Triều Mộ Mộ: Có nghĩa là sớm sớm tối tối.]

Tác giả: Cầm Sắt Tỳ Bà – Người thực hiện: Su siu nhưn

( Nguồn: thegioiaudio.org )

Sách audio .net