Văn Lừng toàn viết chuyện làng, chuyện nhà quê dễ đã hơn vài chục năm nay, sau cũng khoảng thời gian ấy làm nghề dạy học cũng ở quê, rồi lên tỉnh làm giám đốc bảo tàng… Mạch làng là cuốn thứ 8 của ông, cuốn này, nói theo lối nhà văn Kim Lân, nhà văn Tô Hoài, thì ông viết thành (đạt) hơn cả… Chả thế mà truyện ông hư cấu ra, tưởng tượng ra, toàn là chuyện người làng Việt Xá trong tiểu thuyết này đã khiến nhiều người cứ tưởng là chuyện thật, thật quá, nhân vật thì hiển hiện, câu chuyện thì có giềng có mối, có dẫn có chuyển, có thắt lại mở rồi lại vắt sang nhà này họ kia hợp lý hợp cảnh như được “bê nguyên xi” từ một số chuyện và người mà chúng ta đã từng biết, từng rõ ở một số nơi vậy.
Tôi nghĩ thêm, thì cho rằng nếu tác giả tiểu thuyết Mạch làng không hiểu thấu đáo lịch sử làng quê từ xưa đến nay, không rõ người nông dân đang phải vật lộn – đúng là vật lộn, và chiến đấu với bọn xấu trên từng thửa đất hoang và cả vùng đất thiêng… đặc biệt, nếu thiếu một tấm lòng nhân hậu, một sự trí lực, thì ông khó mà viết được tập tiểu thuyết hấp dẫn như vậy. Trong tiểu thuyết này, nhà văn đã từ cái trí cái tâm của mình, và bằng tay nghề dựng truyện, khắc họa tính cách nhân vật của một nhà tiểu thuyết thực thụ, đã hiến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh thật khái quát, điển hình. Đó là bức tranh lắm vẻ dạng, nhiều màu sắc với rất nhiều chi tiết sinh động, tươi ròng sự sống. Nhờ thế, tiểu thuyết Mạch làng của ông mới ra mắt mới dăm ba tháng đã được nhiều người tìm đọc và kể cho nhau nghe, khả năng lan truyền ấy khiến sách được in nối bản, tái bản là rất rõ.
Sách audio .net