Người Tốt – Nguyễn Nhật Ánh


Nhỏ Diệp vòi mẹ:
– Mẹ ơi, ngày mai đi chợ, mẹ nhớ mua cho con một ký đậu trắng nghe mẹ!
– Ðể làm gì thế hở con gái? – đề nghị của nhỏ Diệp làm mẹ ngạc nhiên quá. Mẹ nhớ trước nay nhỏ Diệp chưa bao giờ thích thứ đậu này.
Câu trả lời của nhỏ Diệp càng khiến mẹ ngạc nhiên hơn nữa. Nó phụng phịu:
– Chuyện này khó nói lắm, mai mốt rồi mẹ sẽ biết!

Thái độ của nhỏ Diệp làm mẹ thắc mắc ghê lắm. Nhưng thấy nó không muốn nói, mẹ cũng chẳng gặng hỏi. Mẹ gật đầu:
– Ðược rồi! Mẹ sẽ mua cho con!

Thực ra nhỏ Diệp chẳng muốn dấu mẹ. Trước nay nó không dấu mẹ điều gì. Nhưng lần này lại khác. Lần này nó mắc cỡ. Chả là hôm qua ở trên lớp nó nghe thầy Nhãn kể chuyện. Thầy kể cho học trò nghe chuyện đời xưa. Chuyện về một người tu dưỡng tính tình bằng cách sắm hai chiếc lọ. Mỗi khi làm được một điều tốt, ông bỏ vào chiếc lọ thứ nhất một hạt đậu trắng. Còn khi trót làm một điều không tốt, ông bỏ vào chiếc lọ thứ hai một hạt đậu đen. Lúc đầu, lọ đậu đen nhiều hơn lọ đậu trắng. Nhưng sau một thời gian, hai lọ bằng nhau. Sau một thời gian nữa, lọ đậu trắng nhiều hơn lọ đậu đen. Ngày đó, ông không cần phải bỏ đậu vào lọ nữa. Ông đã trở thành một người tốt. Nhỏ Diệp thích câu chuyện này lắm. Nó thích trở thành người tốt biết bao. Nó không thích bị bà rầy: “Sao cháu cứ ăn vặt để đến bữa lại ngồi nhơi cơm cả buổi thế?”, bị ba nhắc: “Ngồi vào bàn học bài đi chứ con!”, bị anh Quý quạu cọ: “Tao giảng khô cả cổ, sao mắt mũi mày để ở đâu thế?”… Nhỏ Diệp quyết bắt chước nhân vật trong chuyện kể của thầy giáo. Nhưng nó không sắm hai chiếc lọ. Cũng không cần phải có đủ cả đậu trắng lẫn đậu đen. Nhỏ Diệp đặt trên bàn học của mình một chiếc ly. Mỗi khi làm được một điều tốt, nó sẽ bỏ vào đấy một hạt đậu trắng. Lỡ làm điều không tốt, nó lại thò tay vào ly nhặt bớt đi một hạt. Sau mỗi tuần, nó trút đậu trong ly ra và… đếm. Căn cứ vào số đậu nhiều lên hay ít đi, nó sẽ biết mình đang trở thành người tốt hay kẻ xấu.
Ngay ngày đầu tiên mẹ đem bịch đậu về, buổi chiều nhỏ Diệp đã bỏ vào ly ba hạt. Chả là sáng đó, nó được điểm 10 môn ngữ pháp, buổi trưa nó giúp mẹ lau nhà, sau đó lại phụ bà lặt rau. Nhỏ Diệp hân hoan ngắm nghía ba hạt đậu trong ly. Tuy chỉ có ba hạt chỏng chơ thôi, những ngày đầu được như thế là mừng lắm rồi. Chả bù với lúc vừa đi học về, đón bịch đậu từ tay mẹ, nó đã phát hoảng khi thấy một ký đậu sao mà nhiều thế. Nó ngỡ như nếu sống đến một trăm tuổi, nó cũng không thể nào làm xong “một ký” điều tốt nổi!
Nhưng đến buổi tối thì niềm vui trong lòng nhỏ Diệp đã vơi mất 2/3. Ăn cơm chiều xong, trong lúc ngồi học bài, chả rõ nó hí hoáy thế nào lại đánh gãy mất cây thước mượn của anh Vũ, bị anh Vũ mắng cho một trận. Trước khi đi ngủ, nó còn kịp làm rớt thêm chiếc lọ đựng bột màu của anh Quý xuống đất vỡ tan, bị anh Quý quát tiếp một chặp nữa. Thế là ba hạt đậu hồi chiều rốt cuộc chỉ còn có một. Nhỏ Diệp buồn bã bỏ hai hạt đậu vào lại trong bịch rồi cất lên giá sách, bụng an ủi: “Dù sao cũng còn được một điều tốt!”.
Nhưng đó là câu chuyện của ngày đầu… tập làm người tốt. Mà ngày đầu tiên, như người ta thường nói, bao giờ cũng khó khăn. Quả nhiên, những ngày tiếp theo số đậu trong ly dần dần nhiều lên từng chút một. Nhỏ Diệp tất nhiên cũng ý tứ hơn từng chút một. Người khác, dù đó là ông bà, ba mẹ hay thầy cô giáo, phán xét mình, dẫu công tâm và nghiêm khắc đến mấy vẫn có lúc thiếu sót. Nhưng nếu chính mình phán xét mình thì không điều gì có thể “qua mắt” mình được. Mình nghĩ gì, mình làm gì, dù bí mật đến mấy thì… mình cũng biết. Nhỏ Diệp hiểu điều đó, vì vậy nó chả dám làm những chuyện mà vì chúng, những hạt đậu ở trong ly có thể bị tước mất bất cứ lúc nào. Ðậu trong ly ngày một nhiều. Và những lời khen mà nhỏ Diệp nhận được cũng nhiều không kém. Bà nói:
– Cháu Diệp lúc này ngoan ghê! Cháu giúp bà biết bao nhiêu là việc!

Mẹ nói:
– Ừ, tự nhiên giỏi giang hẳn ra!

Ba hài lòng:
– Ðiểm 10 trong tập cũng nhiều hơn trước!

Anh Vũ và anh Quý đều gật gù:
– Ừ, thấy nó dạo này là lạ thế nào! Trông chững chạc ra phết!

Ðược cả nhà khen, nhỏ Diệp vừa thinh thích lại vừa ngượng ngập. Nó trốn vào phòng, kéo chiếc ly lại gần và âu yếm ngắm những hạt đậu đang nằm chen chúc bên nhau. Những hạt đậu như cũng đang nhìn lại nó. Những hạt đậu như đang nói: “Chẳng có gì là tự nhiên, phải không bạn Diệp?”.
Nhỏ Diệp nghe thấy câu nói đó, hoặc cũng có thể do nó tưởng tượng ra trong đầu, và nó vui vẻ trả lời:
– Ðúng rồi, chẳng có gì là tự nhiên cả! Muốn trở thành người tốt cũng cần phải cố gắng. Như mình đang cố gắng để chiếc ly thật đầy. Ðầy đến mức phải sắm thêm những chiếc ly khác nữa!

Mơ ước của nhỏ Diệp đẹp đẽ và đáng yêu biết bao! Chỉ tiếc rằng ngoài nó ra, không một ai hay biết. Anh Quý của nó càng không biết.
Vì vậy, một hôm nhỏ Diệp vừa chơi nhà bạn về, Quý ròm đã tíu tít khoe:
– Lát ăn cơm tối xong, tao sẽ đãi mày món này tuyệt lắm!
– Món gì thế? Kẹo dừa phải không?
– Kẹo dừa thì nói làm gì? – Quý ròm “xì” một tiếng – Món này hấp dẫn hơn nhiều!

Nhỏ Diệp tò mò:
– Thế đó là món gì?
– Chè.
– Chè gì vậy?

Quý ròm huơ tay:
– Chè đậu trắng.
– Tưởng gì! – nhỏ Diệp rùn vai – Em đâu có ăn được chè đậu trắng. Em thích chè đậu xanh cơ!
– Mày ngốc quá! – Quý ròm bĩu môi – Chè đậu trắng ngon hơn chè đậu xanh gấp tỷ lần!

Bị ông anh chê ngốc, nhỏ Diệp tức lắm. Nhưng nó chưa kịp phản ứng, bỗng nhớ tới một chuyện, mặt liền xanh xám:
– Chết rồi! Ðậu trắng ở đâu ra vậy?

Quý ròm cười hì hì:
– Ở trong phòng học chứ đâu! Tao thấy mày nhét nguyên một bịch to tướng trên giá sách, lại đựng trong ly nữa, tao liền trút hết ra đem cho bà nấu chè!
– Trời đất! Ðậu của em sao anh lại đem nấu chè! – miệng nhỏ Diệp mếu xệch, còn mắt thì bắt đầu ngân ngấn nước.
– Ðậu không dùng nấu chè chứ dùng để làm gì! – Quý ròm hừ mũi – Chẳng lẽ để cho mốc meo hết hay sao?
– Không biết! Em không biết! – nhỏ Diệp giãy nảy – Anh muốn ăn chè thì mua đậu về nấu ăn, ai bảo anh lấy đậu của em!

Nghĩ đến bao nhiêu công sức bỏ ra những ngày qua giờ trở thành công cốc, bao nhiêu “điều tốt” nâng niu gom góp được cả tháng nay bị ông anh đem trút hết vào nồi chè, nhỏ Diệp nghe ngực tức nghẹn. Nó lắp bắp:
– Tại anh hết! Em… em…

Nhỏ Diệp hít vào một hơi, chuẩn bị bù lu bù loa bắt đền ông anh nhanh nhẩu đoảng. Nhưng đến phút chót, không hiểu sao nó bỗng nín thinh. Quý ròm sợ nhất trò ăn vạ của nhỏ em. Thấy nhỏ Diệp làm ầm, nó mắt la mày lém, bụng rối như tơ.

Nhưng rồi chờ hoài vẫn chưa thấy nhỏ em “khai hỏa”, nó lo lắng hỏi:
– “Em” sao?
– Chả sao cả! – nhỏ Diệp đưa tay quẹt nước mắt, đáp bằng giọng sụt sịt – Em… em chỉ muốn nói nếu anh lỡ nấu chè rồi thì thôi. Em sẽ mua lại bịch đậu khác. Sự thay đổi thái độ đột ngột của nhỏ em khiến Quý ròm ngơ ngác:
– Mày nói thật đấy chứ?
– Thật.
– Mày không bắt đền tao nữa chứ?
– Không. Em không bắt đền nữa.

Quý ròm thở phào. Rồi tò mò hỏi:
– Thế mày cất bịch đậu trong phòng làm gì vậy?

Nhỏ Diệp nhoẻn miệng cười:
– Chẳng làm gì cả! Chơi vậy thôi!

Quý ròm bán tín bán nghi. Nhưng nó không hỏi tới, chỉ nói:
– Lạ thật đấy! Chả ai lại chơi với những hạt đậu như mày cả!

Dĩ nhiên là Quý ròm nói đúng. Chỉ có điều nó không biết là nó nói đúng thôi. Nhỏ Diệp đâu có dùng những hạt đậu trắng kia làm trò chơi. Nó đang bắt chước nhân vật trong câu chuyện thầy giáo kể. Nó đang tập làm người tốt. Nếu không thế, lúc đang chuẩn bị ăn vạ ông anh, nó đã không ngừng bặt giữa chừng. Chỉ vì lúc đó nó sực nhớ ra một người tốt thì đâu có làm như vậy. Một người tốt bao giờ cũng bao dung, cũng biết tha thứ và biết nói: “Lỡ rồi thì thôi! Em sẽ mua lại bịch đậu khác!”.

Tất nhiên lần này “người tốt” sẽ cẩn thận hơn, sẽ tìm chỗ kín đáo dấu kỹ bịch đậu, sẽ không để cho “anh của người tốt” đem trút hết vào nồi như trước.

Nguyễn Nhật Ánh

Sách audio .net