Bà Tùng Long là một nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 với các tiểu thuyết tâm lý xã hội. Phần lớn các tác phẩm của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu. Một lần bà dự buổi nói chuyện về văn chương. Một cậu sinh viên trẻ đứng lên chê tiểu thuyết của bà và một số tác giả khác là nhảm nhí. Bà Tùng Long đáp: “Tôi không có khả năng để viết những loại sách cao siêu… Tôi có đọc một đoạn văn trên một tờ báo Pháp, thấy có nhà văn nào đó tuyên bố rằng: “Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ”. Như thế thì tôi, một phụ nữ, tại sao lại không viết để nói lên tâm lý của phụ nữ? Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của một người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống hạnh phúc, khi nuôi dạy con… Tôi muốn nói lên tâm lý của phụ nữ vì tôi là một phụ nữ…”
Nhị Lan là câu chuyện xung quanh cuộc đời sóng gió, trắc trở của hai chị em gái tài hoa xinh đẹp – Mộng Lan và Tuý Lan với bài học nhân văn sâu sắc về tình yêu, tình chị em, tình mẫu tử. Tính cách khác nhau nên cuộc đời, hạnh phúc cũng khác nhau. Tuý Lan ngây thơ, bồng bột sớm lập gia đình và bị phụ bạc, may nhờ tình yêu thương đùm bọc, sự hy sinh của chị Mộng Lan mà mẹ con cô được che chở. Bằng sự nỗ lực vươn lên, sự bao dung vị tha của người phụ nữ vừa hiện đại, vừa truyền thống, cuối cùng cô cũng có được hạnh phúc gia đình như của chị gái mình.