Trong bản “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo của nhà văn hoá, chính trị, quân sự thiên tài Nguyễn Trãi – nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước nhà ở thế kỷ XV đã dõng dạc tuyên bố: “Một gươm đại định, dẹp phăng giặc giã, dựng nên công oanh liệt ngàn năm. Bốn bề phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước”. Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt Nam ta, dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với sứ mệnh duy tân đất nước. Trong thời đại của chúng ta, ngay từ gian khổ của cuộc chiến chống Pháp dù phải đối phó với bao nhiều trở ngại để đánh đuổi ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí minh đã ra chỉ thị: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có cài, có đức”. Có thể khẳng định, đó là những người góp phần không nhỏ để đưa đất nước phát triển sang một thời kỳ mới.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam – đã hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Hầu như là một quy luật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt nam là cứ mỗi khi đất nước có khó khăn bên trong hay từ bên ngoài tới thì xu hướng canh tân, đổi mới lại xuất hiện bằng những cải cách, đổi mới cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội khắc phục các khó khăn trở ngại trên đà tiến lên một thời kỳ phát triển mới.
Thiết nghĩ, trong các chương trình cải cách của họ, cho đến nay vẫn có những điều chưa hẳn đã lỗi thời; cũng có những điều mà thời đại chúng ta đã và đang thực hiện. Bởi lẽ, Đảng ta luôn luôn chủ trương đổi mới để kịp với xu thế phát triển của thời đại.