Sau vụ đắm tàu, Robinson bị dạt vào một đảo hoang cách nơi thuyền bè qua lại hàng trăm cây số. Để tránh thú dữ, anh phải làm nhà, dựng lũy, đào hang. Để có lương thực, anh tìm cách bắn chim, săn thú, câu cá và trồng lúa chỉ mới mười hai hạt thóc, rồi dùng da thú để làm quần áo, điền lịch bằng cách vạch lên khúc cây, rồi tự làm đồ gốm, đa lát rổ, thúng… Cứ như thế, cho đến khi trở về quê hương, Robinson đã trải qua hai mươi tám năm trên đảo.
Dựa vào một sự việc có thật đương thời, Defoe đã viết nên một tiểu thuyết đầy sức hấp dẫn, với văn phong trong sáng, giản dị và tình tiết vô cùng kì thú. Ngay khi ra đời vào năm 1719, Robinson Crusoe đã được đón nhận và phổ biến rộng rãi. Chỉ trong năm đầu tiên, cuốn truyện đã được tái bản tới bốn lần. Tới cuối thế kỉ XIX, với hơn 700 phiên bản, kể cả truyện tranh, chưa cuốn sách nào trong lịch sử văn học phương Tây lại có nhiều ấn bản, thu được nhiều lợi nhuận và có nhiều bản dịch hơn tác phẩm này.
Vài nét về tác giả Daniel Defoe
Daniel Defoe, sinh vào khoảng năm 1659/1661 tại London. Ban đầu, ông đã được giáo dục để trở thành mục sư nhưng về sau lại theo nghiệp kinh doanh và cuối cùng là viết lách.
Dù đã từng làm thơ, viết báo, viết sách khá nhiều trước đó, nhưng mãi tới gần 60 tuổi, Defoe mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Robinson Crusoe (1719), tác phẩm đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn nổi tiếng thế giới và khiến ông trở thành một trong những người đầu tiên đưa thể loại truyện phiêu lưu trở nên phổ biến tại Anh. Tiếp đó, ông còn viết các thuyết Thuyền trưởng Singleton (1720), Moll Flanders (1722), Đại tá Jack (1722)…, xoay quanh các cuộc phiêu lưu của các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã hội.
Về cuối đời Defoe sống trong cảnh túng thiếu, bệnh tật và qua đời vào tháng 4 năm 1731.