Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ.
Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.
Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.