Ngô Đạo Tử là nhà họa sĩ nổi tiếng đời Đường. Tranh sơn thủy của ông vẽ đều rất tốt. Người đương thời gọi ông là “Thánh họa”.
Khi Ngô Đạo Tử gần mười tuổi thì trở thành trẻ mồ côi, cuộc sống cơ khổ lênh đênh, phiêu bạt khắp chốn. Có một hôm, khi đi ngang qua một ngôi chùa cổ, ông thấy một lão hòa thượng đang vẽ tranh trên tường, bèn tới đứng sau lưng mà xem. Ông càng nhìn càng mê mẩn đến quên cả đói khát và mệt mỏi.
Hơn nửa ngày, lão hòa thượng mới phát hiện ở phía sau lưng có người đang nhìn mình vẽ, bèn hỏi ông: “Cậu bé, cậu có thích vẽ tranh không?” Ngô Đạo Tử gật đầu. Lão hòa thượng lại hỏi: “Cậu tên là gì? Ở đâu?” Ngô Đạo Tử dem hoàn cảnh của mình nói hết cho lão hòa thượng nghe. Lão hòa thượng hết sức thương cảm, bèn nói: “Nếu cậu muốn học vẽ thì hãy ở lại đây làm đồ đệ của ta nhé!” Từ đó về sau, Ngô Đạo Tử chính thức học vẽ tranh.
Trước hết, lão hòa thượng dạy Ngô Đạo Tử vẽ nước, chỉ cần thấy nước sông, hồ, suối hay biển là lão hòa thượng bảo Ngô Đạo Tử quan sát cho kỹ. Khi mới bắt đầu, Ngô Đạo Tử cảm thấy mới mẻ hay hay, nhưng thời gian kéo dài, ông thấy phiền toái quá. Ông hỏi lão hòa thượng: “Bạch thầy, con cứ vẽ nước hoài thì chừng nào mới có thể vẽ sông vẽ biển?” Lão hòa thượng nói: “Nếu muốn vẽ đúng cái thần của sông ngòi hồ biển mà không khổ công thì không được”.
Nói xong, lão hòa thượng bèn giở cái rương mang theo bên mình ra. Ngô Đạo Tử vừa nhìn vào liền ngẩn người. Ấy là một rương bản thảo vẽ, trên bức tranh kia chẳng là vẽ một giọt nước sao, hay chính là một đóa hoa sóng. Ngô Đạo Tử không khỏi gục đầu suy nghĩ.