Sachaudio.net – Tây Thi (chữ Hán chính thể: 西施, latin hóa: xi shi) là một người con gái rất đẹp thời Xuân Thu và cũng là một trong Tứ đại mĩ nhân Trung Quốc. Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước (trầm ngư), người con gái đó đã có công lớn trong việc giúp Phạm Lãi, Văn Chủng và Việt Vương Câu Tiễn diệt vua Ngô Phù Sai.
Tây Thi, tên là Thi Di Quang (施夷光) là con một người kiếm củi họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kị), thuộc nước Việt cổ. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn.
Khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là “Tây Thi Trầm Ngư”.Trong trận đánh quyết tử với Ngô, do không nghe lời can gián của Văn Chủng và Phạm Lãi nên vua nước Việt là Câu Tiễn bại trận, bị bên Ngô buộc vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn quyết chí trả thù, Văn Chủng trước khi Câu Tiễn sang Ngô đã hiến cho vua 7 kế, trong đó có một kế là “Mĩ nhân kế” – dâng người đẹp mê hoặc vua Ngô. Trong vòng nửa năm, Câu Tiễn tuyển được 2000 mĩ nữ, trong đó có hai người đẹp nhất là Tây Thi và Trịnh Đán.
Nam Cung Bắc tả Tây Thi qua con mắt của Câu Tiễn và Phạm Lãi:
Câu Tiễn bắt gặp ngay đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh, lòng đen đen tuyền óng ánh phát hào quang, thoáng chốc như hớp hồn nhà vuaTây Thi như một đóa hoa còn chớm nụ hàm tiếu, bao nhiêu nét tươi trẻ thanh xuân dường như ẩn hiện trong góc mắt đuôi mày. Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng nàng chúm chím, đường nét tạo thành nàng dường như là ảo tưởng.Cái đẹp của Tây Thi như lóe hào quang, như thái dương.Có nhiều chuyện đã được dựng thành phim kể về mối tình Tây Thi – Phạm Lãi, Tây Thi – Phù Sai.
Khi lựa chọn Tây Thị và Trịnh Đán đưa sang Ngô, lúc ấy Phạm Lãi và Câu Tiễn chưa hề biết mặt nàng. Nhưng khi qua đến xứ người, Tây Thi bí mật liên lạc với hai người này, đồng thời lo lót cho Bá Hi vốn là nịnh thần của Ngô vương Phù Sai để y nói giúp Phù Sai nhằm giảm bớt cực nhọc cho Câu Tiễn.
Công lao của Tây Thi ở nước Ngô rất lớn, mặc dù nàng và Phạm Lãi lúc ấy đã phải lòng nhau, nhưng không hề bộc lộ ra mặt mà âm thầm giúp sức cho Câu Tiễn vốn đang nhịn nhục tìm cách trả thù. Ngô Phù Sai bắt vợ chồng Câu Tiễn phải làm cỏ mộ, mặc áo vải xấu, mỗi ngày chỉ ăn một chén cơm hẩm. Tây Thi và Phạm Lãi cũng âm thầm cấu kết với Bá Hi trợ cấp thêm một số lương thực cho vợ chồng Câu Tiễn khỏi chết đói.
Có giả thuyết cho rằng, sau khi diệt được Ngô vương Phù Sai, vợ của Việt vương Câu Tiễn sợ rằng sắc đẹp của Tây Thi sẽ lôi cuốn Câu Tiễn nên tìm kế giết. Phạm Lãi biết chuyện đã dắt Tây Thi bỏ đi trốn vào Ngũ Hồ. Theo như cuốn Tây Thi do Lợi Bảo viết thì Tây Thi đã tự sát trong Ngũ Hồ và sau đó Phạm Lãi hối hận vì đã giúp Câu Tiễn, ông đã khóc tới chảy máu mắt.
Phù Sai được Tây Thi, mừng và rất chiều chuộng nàng:
Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng. Chuyện này sau sẽ kể tiếp, bây giờ hãy nói Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang. Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Điệp là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván, để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi.
Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy. Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một dãi nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen. Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu.
Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là chỗ Tiên.(Trích đoạn Đông Chu liệt quốc) Dỡ dĩ nhà Vua tốn của và nhân lực để xây cung điện vì Tây Thi vì hắn quá yêu nàng chứ Tây Thi không hề dụ dỗ nhà vua tiêu xài hoang phí.
Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lại lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự. Tây Thi theo kế của Văn Chủng ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí. Bởi chỉ khi nước Ngô suy yếu thì Việt mới có cơ hội phục thù.
Tuy nhiên, việc Phù Sai cho Câu Tiễn về nước phần lớn đều do Tây Thi tác động. Trong một đêm trà dư tửu hậu, Tây Thi sau khi hết lời ca ngợi Phù Sai rồi chuyển qua phỉ báng vua của mình. Nàng khuyên Phù Sai nên tha cho Câu Tiễn vì nhìn vợ chồng ông vua này đã ở dưới đáy bùn của sự sỉ nhục, không còn khí thế của vua chúa nữa. “Ngài đối xử tệ bạc với họ chẳng khác nào để cho quần hùng trong thiên hạ chê cười”. Sau nhiều lần suy nghĩ, bỏ mặc ngoài tai lời can ngăn của Ngũ Tử Tư, Phù Sai thả vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi về nước Việt.
Vì vậy trong mắt người nước Ngô, Tây Thi đích thực là một yêu cơ khuynh đảo cả triều chính, còn đối với dân nước Việt thì nàng là một nữ nhi yêu nước, đem thân mình ra cứu nguy xã tắc nước Việt. Tuy vậy nhưng sau khi sống với Phù Sai lâu năm, từ từ đã dần dần yêu Phù Sai thật sự. Tây Thi đã cùng Ngũ Từ Tư, người chống đối Tây Thi khi Tây Thi mới vào cung nhưng sau này đã nể nàng vì văn chương uy bác và có lòng thành thật sự với nhà vua, khuyên nhà vua không nên đánh Tề.
Nhưng lúc này Phù Sai đã tín nhiệm Câu Tiễn cộng với lòng mơ tưởng làm bá chủ thiên hạ nên đã ra quân đánh Tề, làm hao tổn nhân lực, thực phẩm, người người chết… Trong khi đó Câu Tiễn thừa cơ hội đánh úp và đã chiến thắng chiếm được Ngô….
Sách audio .net