Thương Nhân Trung Hoa – Họ Là Ai

Thương Nhân Trung Hoa – Họ Là Ai

Theo tên xét nghĩa, thương nhân là từ chỉ những người buôn bán hàng hóa. Với hoạt động kiếm sống và làm giàu của mình, họ đã đóng một vai trò năng động trong việc thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất, của văn hóa, khoa học và công nghệ, có tác dụng tích cực trong sự phát triển của lịch sử, nhưng mặt khác vì mục đích kiếm sống và làm giàu, nhiều khi họ cũng có những hành động không mấy vinh quang, thậm chí còn có tác hại đối với đời sống kinh tế và chính trị, văn hóa và xã hội.

Tìm hiểu hoạt động nghề nghiệp nói riêng cũng như hoạt động xã hội nói chung của thương nhân để chỉ ra các đặc điểm và quy luật trong sự hình thành và phát triển của nhóm xã hội không thể thiếu trong đời sống xã hội nhưng cũng rất đáng sợ với tiến trình lịch sử này vì vậy là một công việc cần thiết trong hoàn cảnh kinh tế hàng hóa hiện nay.

Thương nhân Trung Quốc thời cổ (Trung Quốc cổ đại đích thương nhân) của Vương Triệu Tường và Lưu Văn Trí, thuộc Tủ sách Trung Quốc cổ đại sinh hoạt tùng thư, Thương vụ Ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ty, Bắc Kinh, 1995 là một công trình nghiên cứu về thương nhân thời cổ ở Trung Quốc theo định hướng học thuật và thực tiễn ấy.

Ngoài Lời tựa, sách gồm năm chương :

Sự phát triển và đặc điểm của thương nhân,

Thương nhân trong hoạt động kinh doanh,

Tổ chức xã hội và hoạt động xã hội của thương nhân,

Đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa của thương nhân,

Tông tộc, gia đình và sinh hoạt vật chất của thương nhân.

Cùng với việc áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành một cách khá nhuần nhuyễn nhìn từ góc độ thao tác luận, hệ thống chương mục này đã cho phép các tác giả đi sâu vào tìm hiểu tầng lớp thương nhân và văn minh thương nghiệp thời phong kiến ở Trung Quốc một cách khá toàn diện từ góc độ xã hội học, cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu mới mẻ, nhiều kiến giải hay lạ.

Chẳng hạn lối hiểu từ Thương nhân vốn có nghĩa đen là Người nhà Thương, Thương phẩm vốn có nghĩa đen là Vật phẩm của người nhà Thương, Thương nghiệp vốn có nghĩa đen là Nghề của người nhà Thương… rõ ràng là một cách lý giải thú vị đối với những người đọc ham học hỏi, hay sự mô tả quá trình hình thành các tổ chức xã hội của thương nhân từ Hãng tới Bang (Thương bang), từ Hội quán tới Công sở… trong quyển sách là những cứ liệu bổ ích đối với những người đọc thích tìm hiểu, có thể cung cấp cho họ một số khái niệm cơ bản đầu tiên để đi sâu vào tìm hiểu hệ thống các Hội quán, Công sở vẫn được gọi chung là “Chùa Hoa” của người Hoa ở Việt Nam hiện nay…

Tương tự, việc “Xâm nhập vào tầng lớp quan liêu” mà tác giả đã rút ra như một quy luật phát triển, một động thái xã hội của thương nhân Trung Quốc thời phong kiến hiện vẫn được kế thừa trong bối cảnh kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường thời hiện đại và không chỉ riêng trong phạm vi Trung Quốc, nó gợi mở cho người ta một cách nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những hiện tượng loại Tân Trường Sanh…

Mặt khác, nhìn từ góc độ phương hướng nghiên cứu thì tác phẩm này cùng nhiều công trình trong các Tủ sách Trung Quốc cổ đại sinh hoạt tùng thư, Dân quốc tục văn hóa đại quan… xuất hiện ở Trung Quốc vài năm nay còn thể hiện một sự chuyển biến quan trọng trong học giới Trung Quốc. Là một trong những khoa học sớm nhất của nhân loại, sử học đã trải qua nhiều thay đổi để thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội, và trên con đường ấy nó cũng phát triển thành nhiều nhánh mới, trong đó đáng chú ý nhất là sự hình thành các bộ môn lịch sử văn hóa và lịch sử xã hội.

Nhưng nếu trong một thời gian dài trước đây, việc nghiên cứu lịch sử xã hội chỉ tập trung vào việc nghiên cứu hình thái xã hội thì đến nay nó đã chú ý nhiều hơn tới việc phân tích kết cấu xã hội và tìm hiểu hiện tượng xã hội. Trung Quốc cổ đại đích thương nhân chính là một trong những tác phẩm thể hiện động thái học thuật, bước ngoặt phát triển quan trọng ấy của học giới Trung Quốc.

Thương nhân trong tác phẩm này là một nhóm xã hội độc lập có lịch sử phát triển với đặc điểm xã hội riêng biệt, vai trò xã hội riêng biệt, cống hiến xã hội riêng biệt…, và cách trình bày có hệ thống và nhất quán của của các tác giả khiến người đọc nhiều khi phải ngỡ ngàng trước những nguyên nhân mới của các kết quả cũ, chẳng hạn chính thương nhân đã đóng vai trò quyết định trong việc phát triển Huy kịch ở Huy Châu để sau này nó được nâng lên thành quốc kịch tức Kinh kịch của Trung Hoa…

Những ưu thế ấy cùng với cách nhìn mới mẻ và tích cực về tầng lớp thương nhân được khẳng định ngay từ đầu khiến cho mặc dù các cứ liệu được khảo sát và dẫn chứng trong quyển sách chủ yếu lấy từ lịch sử Trung Quốc, công trình này vẫn có những giá trị tổng kết và thực tiễn chung nhất định, có thể có ích đối với nhiều người đọc Việt Nam hiện tại. Chính vì vậy mà chúng tôi tiến hành phiên dịch tác phẩm này, với mong mỏi là nó có thể góp thêm tư liệu cho những người quan tâm tới lịch sử thương nghiệp nói chung và tầng lớp thương nhân nói riêng.