Giới Thiệu Tác Phẩm: Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật – Lisa See
Vào thế kỷ XIX ở Trung Quốc, tại tỉnh Hồ Nam xa xôi, có một cô gái tên Bách Hệu, ở cái tuổi non nớt ngây thơ lên bảy, được kết lão đồng – mối tình thâm giao giữa hai người phụ nữ tồn tại cho đến hết cuộc đời. Lão đồng của cô, Tuyết Hoa, tự giới thiệu mình bằng cách gửi cho Bách Hệu một chiếc quạt lụa, trong đó cô viết một bài thơ bằng nữ thư, thứ ngôn ngữ độc nhất vô nhị mà phụ nữ Trung Quốc đã sáng tạo ra để có thể bí mật liên lạc với nhau, thoát khỏi sự kiềm toả của nam giới. Năm tháng qua đi, Bách Huệ và Tuyết Hoa đã trao gửi bao lời nhắn nhr viết trên chiếc quạt và kể cho nhau bao câu chuyện thêu trên khăn tay, vượt thoát khỏi sự cách ly để chia sẻ với nhau những hy vọng, những ước mơ, và những thành quả của cuộc đời mình. Họ đều phải chịu đựng nỗi đau đớn khủng khiếp khi bó chân, cùng nhau suy ngẫm về những cuộc hôn nhân được sắp đặt, chia sẻ với nhau nỗi cô đơn, những niềm vui cùng bi kịch của cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Cả hai đều đi tìm sẽ khuây khoả, cùng tạo dựng một thoả ước để giữ cho linh hồn của họ sống sót. Nhưng rồi khi, một hiểu lầm đột ngột xảy đến, tình bạn keo sơn của họ bỗng ở trên bờ vực tan vỡ đau thương…
“Tôi còn nhớ cái ngày bà mối đưa nó cho tôi. Những ngón tay tôi run run khi mở các nếp gấp. Rồi tôi thấy một vòng lá giản dị được trang trí ở mép quạt và một dòng thư từ từ lộ ra sau nếp gấp đầu tiên. Lúc đó, tôi không biết nhiều chữ trong nư thư cho lắm, nên thím tôi đã đọc cho tôi nghe. “Mình được biết trong nhà bạn có một cô bé tính tình thuỳ mị nết nao, hiểu đạo công dung ngôn hạnh. Bạn và mình sinh cùng ngày, cùng năm. Sao chúng ta không trở thành đôi bạn tương giao của nhau nhỉ?” Bây giờ tôi nhìn vào cái nhúm lông mềm mại đã viết nên những dòng chữ này và không chỉ thấy lại Tuyến Hoa thời con gái mà còn nhìn thấy Tuyết Hoa khi trở thành một người đàn bà – người đàn bà bền bỉ, thẳng thắn và vị tha.
Tôi đưa mắt nhìn theo những nếp gấp và thấy lại sự lạc quan phơi phới và niềm vui của chúng tôi, sự ngưỡng mộ lẫn nhau và những điều chúng tôi đã trở thành một kết cấu tinh xảo bằng những bông tuyết xen kẽ với bông huệ để tượng trưng cho cuộc đời của chúng tôi song hành bên nhau như một cặp lão đồng ra sao. Tôi thấy vầng trăng chênh chếch về bên phải trên bầu trời đang rọi xuống chúng tôi. Chúng tôi tựa như đôi cây dây leo rễ quấn vào nhau, như đôi cây cổ thụ đã đứng đó hàng nghìn năm, như đôi uyên ương làm bạn với nhau suốt cuộc đời. Trong một nếp gấp, Tuyết Hoa viết, chúng ta yêu thương nhau thắm thiết và sẽ mãi mãi không bao giờ lìa xa. Nhưng trong một nếp gấp khác, tôi thấy những hiểu lầm, niềm tin đổ vỡ, và cuối cùng cánh cửa khép lại. Với tôi, tình yêu là thứ tài sản quý báu mà tôi sẽ không thể chia sẻ cho bất kỳ ai, và rốt cuộc chính điều đó đã khiến tôi với người bạn giống tôi ấy chia lìa nhau.
Tôi vẫn đang tiếp tục học về tình yêu. Tôi nghĩ là tôi hiểu được nó – không chỉ tình mẫu tử, mà còn là tình yêu với song thân, tình phu phụ và cả tình cảm với lão đồng nữa. Tôi đã trải nghiệm nhiều kiểu tình cảm khác nhau – nỗi trắc ẩn, sự kính trọng, lòng biết ơn. Nhưng nhìn vào những bức thư mà tôi và Tuyết Hoa đã viết cho nhau trên chiếc quạt bí mật trong nhiều năm, tôi nhận ra rằng mình đã không biết quý trọng thứ tình yêu quan trọng nhất – tình yêu từ sâu thẳm con tim.
Trong những năm cuối đời này, tôi ghi lại tiểu sử hộ nhiều người phụ nữ khác chưa từng học nữ thư. Tôi lắng nghe một nỗi buồn và lời than vãn, mọi bất công và bi kịch. Tôi đã chép lại cuộc đời bất hạnh của những con người khốn khổ theo niên đại. Tôi lắng nghe tất cả và ghi lại tất cả. Nhưng nếu như tôi biết nhiều về chuyện của đàn bà, thì tôi lại hầu như chẳng biết chút nào về chuyện của đàn ông, trừ chuyện họ không phải là anh nông dân chống chọi với thiên nhiên thì là người lính trên chiến trường, hoặc một người cô độc đang tư vấn chính mình… Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy điều đó được rút ra từ chính những câu chuyện về đàn ông và đàn bà. Tôi chỉ là một người đàn bà hèn mọn với những ta thán đời thường, nhưng trong thâm tâm tôi cũng diễn ra một cuộc vật lộn như cuộc vật lộn của đàn ông, giữa bản chất đích thực của tôi và con người mà tôi cần phải trở thành.
Tôi viết những trang này cho những người đang an nghỉ dưới suối vàng. Mẫu Đơn, cháu dâu tôi, hứa chắc chắn sẽ đốt hết tất cả ngay khi tôi nhắm mắt xuôi tay, vì thế câu chuyện của tôi sẽ đến với họ trước cả linh hồn tôi. Hãy để những lời này giải thích cho hành động của tôi với ông bà tổ tiên tôi, với chồng tôi, nhưng trên hết là với Tuyết Hoa, trước khi tôi gặp lại họ.”
Trích bình luận bạn đọc về tác phầm “Tuyết Hoa và cây quạt bí mật”
[Nguyễn Quỳnh] – “Tuyết Hoa và cây quạt bí mật” của nhà văn Lisa See đã lên án thành công tập tục bó chân của người Trung Quốc xưa. Một “quan niệm làm đẹp” mà bất cứ ai khi tiếp xúc với nó cũng phải hết sức kinh hoảng, rùng mình, thậm chí ghê tởm. Tôi không hiểu người xưa tại sao lại cho rằng hình ảnh “gót sen ba tấc” là chuẩn mực của cái đẹp? Khi mà một bàn chân vốn dĩ bình thường phải bẻ gập đi bốn ngón chân chỉ chừa mỗi ngón cái, rồi phải dẫm đi cho bốn ngón ấy bị dập nát, chảy máu, thành mủ, dẫn đến nhiễm trùng, bốc mùi thối. Tôi chắc chắn rằng chẳng có người phụ nữ nào muốn “làm đẹp” theo cách đó cả, nhưng chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lúc bấy giờ đã ép buộc người phụ nữ Trung Quốc xưa phải đau đớn chịu đựng để phục tùng đàn ông. Bách Huệ và Tuyết Hoa là hai nạn nhân điển hình cho biết bao phụ nữ Trung Hoa xưa kia mà thôi.
Ngoài nỗi đau mà hai cô gái Bách Huệ và Tuyết Hoa phải chịu đựng, tôi còn được chứng kiến tình bạn thâm giao thắm thiết của họ. Dù khi đã lập gia đình nhưng họ vẫn luôn quan tâm “lão đồng” của mình, luôn hỏi han nhau qua cây quạt được viết bằng chữ “nữ thư”.
Bên cạnh đó ta còn thấy được sự thông minh của người phụ nữ Trung Quốc xưa trong việc sáng tạo ra thứ ngôn ngữ “nữ thư”. Thứ ngôn ngữ mà chỉ những người phụ nữ mới hiểu và truyền đạt cho nhau, để họ có thể bày tỏ niềm vui cũng như nỗi buồn của bản thân trong sự kiềm hãm của nam giới.
[Phan Bích Ngọc] – Đọc mà thấy thương cho số phận của những người con gái xưa. Bó từng lớp từng lớp rồi chính mình phải đi cho gãy những ngón chân, bọn đàn ông hạnh phúc trên cái bất hạnh của người phụ nữ, họ tự hào trên cái đau của vợ họ, có ai từng thấy thương cho cái gọi là “đẹp” đấy chưa? Người con gái trong mắt họ rốt cuộc thấp hèn tới mức nào? Nếu may mắn sinh được con trai thì khẳng định được địa vị, còn ngược lại phải làm bao việc nặng nhọc. Cái chết của Tuyết Hoa phần lớn cũng vì không sinh được “người nối dõi”… Đọc xong tác phẩm mà đau xót thay cho số phận của những người phụ nữ. Một tác phẩm hay của Lisa See.
Tác giả: Lisa See – Sản xuất: THDT
Sách audio .net