Cuốn sách này sẽ kể cho bạn nghe những chuyện ở bên trời Tây, cuộc sống của những cặp vợ chồng Á – Âu. Bắt đầu bằng tình yêu, các thủ tục giấy tờ để đến một lễ cưới, cuộc sống chung, có con, nuôi con, đi làm, đi chơi.
Cuốn sách hấp dẫn nhờ những câu chuyện thật sinh động qua lời kể của người trong cuộc, gồm 5 phần: Tình ngoại lai; Hợp đồng hội nhập; Sinh con kiểu Tây; Vì sao…?; Những chuyến đi . Trong mỗi phần có những chuyên mục nhỏ với tên gọi riêng. Tác giả vốn là một nhà báo, nên các câu chuyện chắt lọc được trình bày gọn gàng và rành mạch, hấp dẫn vì vô số chi tiết bạn không thể tưởng tượng.
Đọc sách này để biết, lấy chồng Tây và sống ở châu Âu, liệu sẽ có được cuộc sống thiên đường? Và cũng có thể coi đây như một “tài liệu” dễ học vì dễ đọc, dễ hiểu cho những ai có ý định kết hôn với người nước ngoài, trong các kinh nghiệm về cách sống, cách giải quyết những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thậm chí những khác biệt trong thái độ và phương pháp xử lý với mỗi sự việc nhỏ trong đời sống thường nhật. Và cả những tâm sự tha thiết nữa, của chính những con người tha hương.
Một cuốn sách tình cờ, một số phận tình cờ
Khoảng sáu năm trước, một hôm Kiều Bích Hương nói với tôi: Chị ạ, có khi em xin chuyển vào ban đại diện báo mình ở Sài Gòn, em muốn thay đổi.
Tôi nghe vừa giật mình lại có chút bực mình. Ban Văn Nghệ đang neo người, lại đùng đùng ra đi thế này. Định thần lại thì rồi cũng hiểu được. “Em thấy cuộc sống nhàm chán quá, nhất là chuyện riêng tư. Mẹ và họ hàng ở quê suốt ngày giục chồng con, trốn không được”.
Rồi Hương đi. Tôi giao hẹn nửa đùa nửa thật: Kiếm lấy tấm chồng rồi đẻ con trước 35 tuổi. Đồ nội khó quá thì chuyển sang đồ ngoại, ít ra cũng ăn chắc quả phạt đền là con sẽ đẹp, con lai chắc chắn đẹp. Công việc thì không phải dặn gì nhiều vì Hương đủ tự trọng.
Thế mà cô làm được thật. 34 tuổi cô đưa thiếp mời, rất hạn chế, chỉ hơn chục đồng nghiệp và những bạn bè thân thiết nhất. Đám cưới giản dị ở quê, cách Hà Nội khoảng 20 cây số.
Nhìn cô dâu chú rể dìu nhau trong tiếng nhạc, đứa bé gái lai Việt – Bỉ khoảng 5 tuổi con riêng của chồng Hương quanh quẩn bên cạnh, mừng cho cô nhưng không khỏi băn khoăn: Liệu có hạnh phúc? Hay lại giải pháp tình thế?
Hồi còn son và cả sau cưới, thỉnh thoảng Hương lại hỏi: Không biết em có biết sinh con không, nhìn người khác mang bầu mà khâm phục. Em đã sinh bao giờ đâu mà biết, em sợ mình không có khả năng ấy quá.
Trần Đăng Khoa – “thần đồng vĩnh viễn” có lần bảo tôi: Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy được vợ, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con mình. Cứ thế…
Còn tôi hồi thấy anh mới có con gái Trâm Anh, thỉnh thoảng gặp thường hỏi thăm Bao giờ có Thế Phiệt? Âu cũng là sự tầm thường ở đời, thấy người ta có con gái phải chúc, mong con trai cho tròn.
Rồi Hương mang đứa bé có cái tên như người Nhật- Kianto về Việt Nam trình diện, y hẹn “vừa có chồng vừa có con trước tuổi 35”, lại “con ra con”- kháu khỉnh, ngộ nghĩnh, chúng tôi vẫn chưa tin ở hạnh phúc.
Cho đến khi đọc “Vợ Đông chồng Tây” của Kiều Bích Hương.